Theo báo Liên hợp buổi sáng, thiếu hụt dòng tiền là thách thức phổ biến mà các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) tại Đông Nam Á đang phải đối mặt.
53% SME đến từ Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia và Việt Nam cho biết dòng tiền hiện nay của họ chỉ có thể duy trì hoạt động tối thiểu trong 6 tháng.
Báo cáo chi tiết chi tiêu doanh nghiệp năm 2023 do công ty dịch vụ tài chính YouBiz công bố ngày 18/1 nhấn mạnh nhiệm vụ quan trọng đầu tiên của SME là hạ thấp chi phí vận hành, bao gồm thông qua tuyển dụng từ xa để tối ưu hóa chi phí lao động.
[Doanh nghiệp ở TP Hồ Chí Minh linh hoạt "xoay" dòng tiền]
Trong số các nước châu Á-Thái Bình Dương muốn tuyển dụng từ xa nhiều hơn, Ấn Độ đứng thứ nhất, theo sau là Singapore và Australia.
Một phần nguyên nhân thúc đẩy xu hướng này là các SME cũng muốn tuyển dụng tài năng chất lượng cao đồng thời tìm cách giảm chi phí tiền lương. Do đó họ chuyển sang thị trường toàn cầu để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng.
Bản báo cáo này đã tổng hợp kết quả khảo sát của 160 nhà điều hành doanh nghiệp SME, đồng thời phân tích hơn 60.000 giao dịch thương mại từ 4.500 doanh nghiệp.
Báo cáo nhấn mạnh tiếp thị số bao gồm vận dụng các nền tảng tìm kiếm và truyền thông xã hội là công cụ cần thiết để nâng cao danh tiếng thương hiệu và thúc đẩy doanh số của SME.
Các doanh nghiệp này nhận thức được giá trị của việc duy trì chi tiêu tiếp thị số, với 45% doanh nghiệp được khảo sát cho biết đây là chi phí thường xuyên hàng tháng.
Bên cạnh đó, hơn 60% SME đã áp dụng các công cụ số để tối ưu hóa hoạt động kinh doanh và hạ thấp chi phí.
Các công cụ được SME sử dụng hơn 6 tháng bao gồm phần mềm dịch vụ khách hàng (42%), phần mềm tiếp thị qua email (39%), công cụ hợp tác dự án hoặc nhiệm vụ (35%), phần mềm thương mại điện tử (39%) và tự động hóa tiếp thị (32%).
Cùng với việc tái mở cửa biên giới và nới lỏng các quy định liên quan đến du lịch, các doanh nghiệp muốn nối lại du lịch để tham gia các hội nghị trực tiếp, tăng cường quan hệ kinh doanh với đối tác mới, cũng như nghiên cứu những thị trường mới có thể mở rộng.
Chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy do dịch bệnh khiến cho việc thiết lập quan hệ đối tác trên lĩnh vực mới, tăng cường sức bền kinh doanh, đặc biệt là lĩnh vực liên quan đến hàng hóa tiêu dùng trở nên cấp thiết hơn.
Mặt khác, hơn 70% SME cho rằng thanh toán toàn cầu là nhân tố then chốt để đảm bảo hoạt động kinh doanh diễn ra liên tục trong thời kỳ dịch bệnh.
Những doanh nghiệp này cũng có ý định tiếp tục sử dụng hoặc thường xuyên sử dụng hơn phương thức thanh toán toàn cầu, tăng thêm khách hàng xuyên biên giới và hợp tác với nhiều đối tác hơn.
56% doanh nghiệp được khảo sát cho biết thường sử dụng ngoại tệ để giao dịch, trong đó hơn 90% các giao dịch có giá trị từ 50.000 đôla Singapore (37.700 USD) trở lên.
Trong số những khách hàng của YouBiz, ba ngoại tệ được giao dịch nhiều nhất sau USD và SGD là euro, yen và ringgit. Điều này đồng nghĩa với việc các SME có thể nghiên cứu thiết lập hoặc mở rộng quan hệ hợp tác với những nhà cung ứng ở các thị trường này.
Khi chọn nhà cung cấp dịch vụ thanh toán, các SME thường ưa chuộng dịch vụ cho phép thanh toán nhanh chóng, an toàn và minh bạch.
Về phương diện chi phí, tỷ giá hối đoái và chi phí liên quan đến thanh toán là nhân tố cân nhắc lớn nhất của doanh nghiệp./.