Ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho biết, các sân bay đã giảm khoảng 20% lượng khách so với cùng kỳ năm 2019 do dịch viên đường hô hấp cấp (dịch bệnh COVID-19).
“Khách quốc tế cũng sẽ ít người mới đến Việt Nam do lo ngại dịch COVID-19 nên trong 1-2 tháng tới lượng khách sẽ còn giảm, chỉ có khách đã đến nước ta trước thời điểm dịch và sau đó sẽ đi. Hành khách giảm mạnh tại các thành phố du lịch như Nha Trang, Phú Quốc, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh,” ông Thanh bày tỏ lo ngại.
Đơn cử, tại sân bay Cam Ranh thực tế đã vắng và thưa thớt các “thượng đế” bởi sân bay này có tới 60% thị phần khách đến từ Trung Quốc, còn lại là nội địa. Hiện tại, lượng khách dao động chỉ gần 20%. Giữ ổn định nhất là Nội Bài, mỗi ngày có 530-540 lượt chuyến bay, giảm khoảng 100 chuyến so với dịp cao điểm Tết Canh Tý.
[Hàng không thiệt hại lớn khi đóng cửa đường bay đến Trung Quốc]
Cho rằng dịch COVID-19 sẽ ảnh hưởng sâu rộng tới kết quả sản xuất kinh doanh của ACV cũng như các hãng hàng không, theo ông Thanh sắp tới phải điều chỉnh kế hoạch. ACV phối hợp với các hãng hàng không để tìm thị trường để “biến nguy thành cơ” theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Đưa ra bài học hồi dịch SARS nếu phụ thuộc quá vào thị trường Trung Quốc thì thị phần các hãng hàng không sẽ lao đao, vị Chủ tịch ACV tiết lộ, thời gian đó, ngành hàng không đã có đợt tái cơ cấu thị trường để không bị ảnh hưởng từ bất kỳ một thị trường nào đó sẽ dẫn tới sụp đổ thị trường hàng không Việt.
“Các hãng hàng không cần có định hướng để chuyển sang tăng cường các thị trường khác như các sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất sẽ tiếp nhận nhiều hơn các hãng bay từ thị trường khác thay vì Trung Quốc nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch COVID-19,” ông Thanh nói.
[Doanh nghiệp giao thông lao đao bởi tác động của virus nCoV]
Tại buổi kiểm tra công tác phòng, chống bệnh dịch viêm phổi cấp do dịch COVID-19 ở sân bay Nội Bài vào sáng 13/2 vừa qua, ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cho biết, sau đợt dịch này Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước đã làm việc kỹ với ACV về kế hoạch sản xuất kinh doanh.
Ông Hoàng Anh cũng yêu cầu ACV chủ động kế hoạch sản xuất kinh doanh, quán triệt cán bộ công nhân viên phòng dịch cho mình và khách bay qua cảng; chuẩn bị các phương án đưa công dân nước bạn về nước và ngược lại, phát triển thêm thị trường, tính toán hiệu quả kinh doanh cao nhất.
“Đây là giai đoạn nhiều thách thức và khó khăn với các hãng hàng không nhưng đồng thời cũng là cơ hội để xây dựng các chiến lược trong giai đoạn dài,” ông Hoàng Anh nhận định./.
Theo thống kê của ACV, đến hết ngày 13/2, trong số 21 cảng do doanh nghiệp này quản lý, khai thác đã phát hiện 127 hành khách có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm dịch COVID-19 cần được cách ly y tế và 297 hành khách từ chối nhập cảnh do đến từ vùng có dịch. Cụ thể, cảng hàng không Tân Sơn Nhất có số hành khách nghi nhiễm dịch COVID-19 (33 hành khách) và bị từ chối nhập cảnh (286 hành khách) do đến từ vùng dịch nhiều nhất. Kế đến là cảng hàng không Đà Nẵng với 73 trường hợp hành khách có dấu hiệu nhiễm bệnh. Cảng hàng không Nội Bài phát hiện 11 trường hợp hành khách có dấu hiệu nhiễm bệnh, 9 trường hợp hành khách từ chối nhập cảnh do đến từ vùng dịch. Hiện nay các sân bay quốc tế đều lắp đặt máy đo thân nhiệt và có bộ phận kiểm dịch y tế để kiểm soát hành khách nhập cảnh. Khách bị sốt sẽ được đưa đến phòng cách ly, phân loại khả năng nhiễm virus corona để có hướng xử lý. Các sân bay đều có bảng khuyến cáo bằng 3 thứ tiếng Việt-Anh-Trung Quốc và bố trí đường dây nóng để giải đáp về dịch... |