Các quy định mới về phòng chống dịch COVID-19 tại một số địa phương

Trước tình hình dịch COVID-19 đang có dấu hiệu phức tạp trở lại, các địa phương Đắk Nông, Thái Nguyên, Long An, Ninh Thuận đã ban hàng các quy định chính sách mới nhằm kiềm chế dịch lây lan.
Các quy định mới về phòng chống dịch COVID-19 tại một số địa phương ảnh 1Đắk Nông triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho toàn dân. (Ảnh: Nguyên Dung/TTXVN)

Trước tình hình dịch COVID-19 đang có dấu hiệu phức tạp trở lại, các địa phương Đắk Nông, Thái Nguyên, Long An, Ninh Thuận đã ban hàng các quy định mới nhằm kiềm chế dịch lây lan.

Đắk Nông chống dịch COVID-19 phù hợp với tình hình mới

Trong những ngày qua, tỉnh Đắk Nông liên tiếp ghi nhận các ca mắc COVID-19 trong cộng đồng. Do dịch diễn biến phức tạp, nhất là tại thành phố Gia Nghĩa và huyện Đắk Mil, nguy cơ lây lan ra toàn tỉnh là rất lớn, ngày 4/11, Văn phòng Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông thông báo kết luận của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông về các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông yêu cầu các đơn vị, địa phương cần nâng cao vai trò trách nhiệm, nhất là vai trò của người đứng đầu. Cơ quan chức năng cần chủ động trong việc triển khai các biện pháp thích ứng với tình hình mới nhằm đảm bảo an toàn, hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông cũng khuyến cáo cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm việc tại các cơ quan, đơn vị không tới các nhà hàng, quán ăn, quán càphê, cơ sở karaoke, massage và các dịch vụ không thiết yếu khác.

[Bộ Y tế đang xin ý kiến về việc tiêm vaccine cho trẻ dưới 12 tuổi]

Tỉnh Đắk Nông thống nhất về việc cách ly y tế tại nhà đối với các trường hợp F1 đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine (với những gia đình đáp ứng các điều kiện theo quy định). 

Tỉnh Đắk Nông đặc biệt quan tâm đến việc tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân. Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông yêu cầu cơ quan chuyên môn cần đẩy mạnh tiêm vaccine, nhằm hoàn thành sớm nhất kế hoạch bao phủ 100% người dân từ 18 tuổi trở lên được tiêm ít nhất 1 mũi.

Những địa phương có tỷ lệ tiêm vaccine thấp như các huyện Tuy Đức, Đắk Mil, Đắk R’Lấp thì phải tập trung nguồn lực, huy động đội ngũ y tế cấp cơ sở để đẩy nhanh tiến độ; ưu tiên tiêm vaccine cho công nhân lao động tại các công trường xây dựng và người thu hoạch nông sản; ưu tiên bao phủ vaccine mũi 2 cho những địa phương có nguy cơ bùng phát dịch cao như thành phố Gia Nghĩa, huyện Đắk Mil.

Cơ quan chức năng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức phòng, chống dịch COVID-19 cho người dân; phát huy vai trò “mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi xóm làng là một pháo đài” trong công tác phòng, chống dịch. 

Từ chiều 31/10 đến sáng 4/11, tỉnh Đắk Nông ghi nhận 43 ca mắc COVID-19 trong cộng đồng. Các ca bệnh đều liên quan đến ổ dịch là các quán karaoke, giải trí, massage, có yếu tố dịch tễ phức tạp, tiếp xúc với nhiều người trong đó có người già, học sinh...

Tính từ đầu dịch đến ngày 4/11, Đắk Nông ghi nhận 1.065 trường hợp mắc COVID-19, có 879 bệnh nhân khỏi bệnh và xuất viện.

Thái Nguyên xét nghiệm COVID-19 đối với người đến từ vùng có dịch

Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Nguyên vừa yêu cầu ngành y tế và các địa phương trong tỉnh lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 trong vòng 24 giờ đầu đối với tất cả những người đến, trở về từ các vùng đang có diễn biến dịch phức tạp như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương, Long An, Đồng Nai, Hà Nam, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Giang, Phú Thọ; lấy mẫu xét nghiệm tầm soát SARS-CoV-2 ngẫu nhiên đối với người đến, trở về từ các tỉnh, thành phố còn lại.

Những người không phải lấy mẫu xét nghiệm được yêu cầu trong vòng 3 ngày (kể từ khi vào tỉnh) hạn chế có mặt ở nơi đông người, các khu vực công cộng như: chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, bến xe, trường học, quán ăn, khu công nghiệp...

Thành phố Thái Nguyên ghi nhận nhiều ca mắc COVID-19 có hồ sơ dịch tễ phức tạp. Do đó, thành phố sẽ lấy mấu xét nghiệm SARS-CoV-2 cho tất cả người dân tại 8 phường Trung Thành, Phú Xá, Tân Thịnh, Hương Sơn, Phan Đình Phùng, Trưng Vương, Quang Trung và Tích Lương.

Trung tâm Y tế thành phố Thái Nguyên chỉ đạo 32 trạm y tế xã, phường chủ động xây dựng phương án thành lập trạm y tế lưu động và bảo đảm nguồn oxy để điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 trong tình huống xấu nhất.

Theo phương án này, mỗi xã, phường trên địa bàn thành phố có thể lập một hoặc nhiều trạm y tế lưu động vừa để triển khai các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 vừa chăm sóc và điều trị, quản lý người mắc COVID-19 tại nhà, cụm dân cư, bệnh viện; thực hiện các dịch vụ thăm khám sức khoẻ ban đầu.

Theo Sở Y tế tỉnh Thái Nguyên, từ ngày 1/11 đến nay, tỉnh ghi nhận 13 ca mắc COVID-19 trong cộng đồng.

Riêng ngày 3/11, tỉnh phát hiện thêm 5 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, trong đó có 4 ca cộng đồng tại thành phố Thái Nguyên, thị xã Phổ Yên và huyện Võ Nhai. Lực lượng chức năng đã truy vết được 1.236 trường hợp F1; 1.110 trường hợp F2. Việc xét nghiệm sàng lọc đã phát hiện một trường hợp F1 dương tính với SARS-CoV-2.

Tỉnh Thái Nguyên đang triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 đợt thứ 13 cho người dân. Đến thời điểm hiện tại đã có 670.427 liều vaccine được tiêm cho 537.308 người, đạt 61,08% tổng số người từ 18 tuổi trở lên.

Ninh Thuận thí điểm quản lý cách ly, điều trị bệnh nhân COVID-19 tại nhà

Ngày 4/11, Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận đã ban hành kế hoạch thực hiện thí điểm quản lý cách ly, điều trị người bệnh COVID-19 (F0) tại nhà.

Các quy định mới về phòng chống dịch COVID-19 tại một số địa phương ảnh 2Khám sàng lọc trước khi tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Trạm Y tế xã Phước Nam, huyện Thuận Nam. (Ảnh: Công Thử/TTXVN)

Việc thực hiện thí điểm quản lý cách ly, điều trị F0 tại nhà nhằm giúp giảm tải cho các cơ sở điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 để tập trung nhân lực chăm sóc cho những bệnh nhân ở mức độ nặng và rất nặng; đồng thời tạo điều kiện cho người bệnh COVID-19 có thể vừa thực hiện điều trị, vừa chăm sóc sức khỏe, nâng cao thể trạng và hồi phục tại nhà.

Theo lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận, trong giai đoạn 1, tỉnh sẽ thí điểm tại 2 phường thuộc thành phố Phan Rang-Tháp Chàm và 2 xã thuộc huyện Ninh Phước. Việc lựa chọn đối tượng thí điểm do chính quyền địa phương lựa chọn, thực hiện phù hợp với các tiêu chí và điều kiện thực tế của địa phương.

Cụ thể, đối tượng thí điểm là người mắc COVID-19 (được khẳng định qua xét nghiệm Realtime RT-PCR hoặc test nhanh kháng nguyên) không có triệu chứng lâm sàng; không có các dấu hiệu của bệnh lý nền; đồng thời đáp ứng thêm các tiêu chí như: đã tiêm đủ 2 mũi hoặc 1 mũi vaccine phòng COVID-19 sau 14 ngày hoặc trẻ em trên 1 tuổi, người lớn dưới 50 tuổi, không có bệnh nền và không đang mang thai.  

Khi tự cách ly y tế, điều trị tại nhà thì người bệnh phải cam kết nghiêm túc thực hiện quy định phòng, chống dịch; đảm bảo điều kiện về khả năng tự chăm sóc bản thân hoặc phải có người thân chăm sóc.

Bên cạnh đó, ngành y tế và chính quyền địa phương phải giám sát và theo dõi sức khỏe người bệnh tại nhà; đảm bảo về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ người bệnh khi có triệu chứng nặng phải chuyển lên tuyến trên cách ly, điều trị.

Ngành y tế tỉnh Ninh Thuận cũng có các biện pháp để đảm bảo cho công tác điều trị người bệnh COVID-19 tại nhà; thành lập tổ công tác hỗ trợ trực tiếp cho cơ sở y tế các tuyến sử dụng thuốc kháng virus để điều trị cho bệnh nhân; phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường công tác giám sát, kiểm soát dịch trên địa bàn thực hiện thí điểm quản lý, điều trị F0 tại nhà và đảm bảo công tác y tế, lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2, theo dõi sức khỏe, điều trị cho người bệnh theo quy định.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Ninh Thuận, tính đến sáng 4/11, tỉnh đã có 1.617 ca mắc COVID-19, trong đó có 1.097 ca đã được điều trị khỏi và 36 ca đã tử vong do có bệnh nền nhiều năm. Hiện trong tỉnh còn 484 ca đang được điều trị tại các cơ sở y tế.

Trong những ngày qua số ca mắc COVID-19 tại các địa phương ở tỉnh Ninh Thuận liên tục tăng. Riêng trong ngày 3/11 tỉnh ghi nhận 95 ca mắc, nhiều nhất là tại thành phố Phan Rang-Tháp Chàm và huyện Ninh Phước; đây cũng là ngày mà tỉnh có số ca mắc cao nhất kể từ cuối tháng 4 đến nay.

Long An lên kế hoạch lập cơ sở thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19 

Tính đến ngày 4/11, tình hình dịch COVID-19 tại tỉnh Long An tuy cơ bản đã được kiểm soát nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng. Tỉnh có 1.542 bệnh nhân COVID-19 đang được điều trị; số ca mắc trung bình khoảng 80-90 ca/ngày.

Trước thực trạng trên, Ủy ban Nhân dân tỉnh Long An đã có kế hoạch thiết lập cơ sở thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19, sẵn sàng đáp ứng diễn biến dịch trên địa bàn trong tình hình mới để “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” theo Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ. 

Theo đó, tỉnh bố trí phương án cơ sở thu dung, điều trị COVID-19, gồm tầng 1 (điều trị F0 không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ) hiện có 11.550 giường, sau ngày 30/12 sẽ tăng lên 7.840 giường.

Tầng 2 (điều trị F0 có triệu chứng suy hô hấp hoặc có yếu tố nguy cơ như phụ nữ mang thai, bệnh lý nền), hiện có 1.609 giường, sau ngày 30/12 sẽ là 559 giường. Tầng 3 (điều trị F0 có triệu chứng nặng và chuyển nặng), hiện có 380 giường, sau ngày 30/12 sẽ là 380 giường.

Trường hợp dịch ở cấp độ 4, khi số ca mắc lớn hơn số giường hiện có thì Long An sẽ kích hoạt lại các bệnh viện dã chiến trên địa bàn tỉnh (đã tạm ngưng hoạt động trong thời gian qua) để thu dung, điều trị F0.

Long An cũng triển khai đồng thời 2 phương án là cách ly theo dõi sức khỏe tại nhà và cách ly điều trị tại các bệnh viện, bệnh viện dã chiến. Tỉnh ưu tiên cho phép F0 không triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ và gia đình có đủ điều kiện, được cách ly theo dõi sức khỏe tại nhà.

Các F0 mà gia đình không đủ điều kiện để tự theo dõi sức khỏe tại nhà thì được cách ly, theo dõi và điều trị tại bệnh viện dã chiến.

Ông Nguyễn Minh Lâm, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Long An, cho biết, việc thiết lập cơ sở thu dung, điều trị cho bệnh nhân COVID-19 là nhằm chuẩn bị sẵn sàng cơ sở vật chất, trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc và nguồn nhân lực để nâng cao năng lực ứng phó, thu dung, theo dõi, chăm sóc điều trị, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp diễn biến nặng và tử vong.

Tỉnh phát huy tối đa nguồn lực của ngành y tế, nguồn lực xã hội để kịp thời thiết lập đầy đủ cơ sở thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19; sẵn sàng triển khai công tác điều trị theo từng phương án tương ứng với từng cấp độ dịch trên địa bàn tỉnh đảm bảo “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” trong giai đoạn hiện nay./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục