Năm 2021 là năm dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trên toàn cầu nhưng đầu tư khởi nghiệp tại Việt Nam đã có mức tăng trưởng vượt bậc, đạt hơn 1,3 tỷ USD. Đây là mức kỷ lục thu hút vốn đầu tư, bất chấp đại dịch, tập trung vào công nghệ tài chính (FinTech), game, giáo dục, y tế, thương mại điện tử...
Nhiều ý tưởng đổi mới sáng tạo ứng phó với dịch COVID-19, hỗ trợ sáng kiến phòng, chống cho Chính phủ đã cho thấy sự năng động thích ứng của các startup Việt trước dịch bệnh.
Năm 2021, các quỹ đầu tư đã đặt niềm tin vào nhiều startup có năng lực và xuất hiện nhiều thương vụ lớn, khuấy động hệ sinh thái Việt sôi động hơn.
Điển hình như VNLife - công ty sở hữu “kỳ lân” Vnpay hoàn tất gọi vốn 250 triệu USD; Tiki huy động được 258 triệu USD và gần đây nhất, MoMo thành “kỳ lân” sau khi Mizuho dẫn đầu vòng gọi vốn 200 triệu USD.
Theo báo cáo thường niên của ESP Capital và Cento Ventures, với việc thu hút vốn đầu tư vào startup Việt đạt hơn 1,3 tỷ USD trong năm 2021, Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ 3 về tính năng động của hệ sinh thái khởi nghiệp trong ASEAN, chỉ sau Indonesia và Singapore.
Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, đầu tư khởi nghiệp công nghệ đã giảm một nửa so với năm 2019 với 874 triệu USD, nhưng sự phục hồi nhanh chóng đạt đỉnh và là mức kỷ lục trong năm 2021 và kỳ vọng năm 2022, các quỹ đầu tư tiếp tục "đổ vốn" vào startup Việt.
Nguồn vốn không ngừng đổ vào hệ sinh thái đã khích lệ tinh thần startup Việt và Việt Nam vẫn được đánh giá là thị trường tiềm năng.
Bà Lê Hoàng Uyên Vy, Đồng Sáng lập và Giám đốc Điều hành Quỹ Do Ventures, chia sẻ việc các quỹ đầu tư "đổ vốn" vào startup Việt cho thấy hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam có những tín hiệu lạc quan và là cơ hội để Việt Nam trở thành trung tâm công nghệ mới của thế giới.
[Startup do Shark Bình đầu tư ra mắt áo khoác có thể loại bỏ SARS-CoV-2]
Việt Nam nên được nhắc đến như trung tâm công nghệ mới của thế giới bởi những startup thế hệ mới sẽ là động lực tăng trưởng của hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam.
Đặc biệt, những startup thế hệ mới với đặc thù cạnh tranh với nhiều đối thủ trong nước và quốc tế, thế hệ startup này sớm có tầm nhìn ra khu vực và toàn cầu và các startup này hiểu rằng để phát triển bền vững phải mở rộng tư duy, hoạt động và mạng lưới vươn ra toàn cầu.
Các chuyên gia công nghệ nhận định trong thời đại hiện nay, việc định hướng và đẩy mạnh xu hướng xuất ngoại cho startup Việt Nam là một vấn đề lớn và trọng tâm của quá trình thúc đẩy phát triển kinh tế quốc gia nói chung và lĩnh vực đổi mới sáng tạo nói riêng.
Thực tế làm việc với nhiều startup Việt, không nhiều nhà lãnh đạo có tư duy toàn cầu ngay từ đầu, thường chỉ là làm việc ở các công ty IT tại Việt Nam và tập trung vào nội địa, thị trường mà họ hiểu nhất.
Vì vậy, việc định hướng và đẩy mạnh xu hướng xuất ngoại cho startup Việt Nam có thể coi là một hướng đi mới thích hợp cho các doanh nghiệp khởi nghiệp của Việt Nam cũng như các giải pháp cho các startup Việt Nam khi phát triển kinh doanh, mở rộng sang thị trường mới, đồng thời góp phần để Việt Nam trở thành trung tâm công nghệ mới của thế giới./.