Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO) ngày 9/6 cho rằng các quốc gia nghèo chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu khi họ buộc phải trả nhiều tiền hơn nhưng nhận được ít lương thực hơn.
Theo báo cáo Triển vọng lương thực của FAO, hóa đơn nhập khẩu lương thực toàn cầu trong năm nay được dự báo tăng lên mức kỷ lục mới 1.800 tỷ USD, một phần nguyên nhân là do cuộc xung đột ở Ukraine khiến giá ngũ cốc tăng cao.
Sự gia tăng này chủ yếu do giá cả các mặt hàng và chi phí vận chuyển tăng chứ không phải do khối lượng hàng hóa tăng.
[Xung đột Nga-Ukraine gây trở ngại lớn cho tiến trình toàn cầu hóa]
Báo cáo nhấn mạnh: "Đáng lo ngại là nhiều quốc gia dễ bị tổn thương đang phải trả nhiều tiền hơn nhưng nhận về ít lương thực hơn."
FAO ước tính tổng giá trị hóa đơn nhập khẩu lương thực toàn cầu trong năm nay tăng 51 tỷ USD so với năm 2021, trong đó gần như toàn bộ (49 tỷ USD) là do giá cả leo thang.
FAO dự báo giá trị hóa đơn nhập khẩu lương thực của những quốc gia kém phát triển nhất có thể giảm 5%. Tuy nhiên, các quốc gia đang phát triển nhập khẩu lương thực ròng và các quốc gia châu Phi ở Nam sa mạc Sahara dự kiến ghi nhận gia tăng chi phí trong khi khối lượng nhập khẩu giảm.
Theo FAO, sản lượng các loại ngũ cốc chính trên thế giới dự kiến sẽ giảm trong năm nay - đánh dấu giảm lần đầu tiên trong 4 năm qua, trong khi khối lượng tiêu thụ toàn cầu cũng giảm lần đầu tiên trong 20 năm qua.
Chuyên gia kinh tế Upali Galketi Aratchilage của FAO cho rằng trong bối cảnh giá đầu vào gia tăng, lo ngại về thời tiết và bất ổn thị trường cũng gia tăng do ảnh hưởng cuộc khủng hoảng Ukraine, thị trường lương thực sẽ được thắt chặt và giá trị các hóa đơn nhập khẩu lương thực sẽ đạt mức cao kỷ lục mới./.