Các thành viên Liên minh châu Âu (EU) như Hungary, Ba Lan, Bồ Đào Nha và sắp tới là Áo đang chuẩn bị cho kế hoạch phát hành trái phiếu bằng đồng nhân dân tệ tại thị trường Trung Quốc, hay còn gọi là trái phiếu panda.
Ngày 30/5 vừa qua, Bồ Đào Nha đã trở thành quốc gia thuộc Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đầu tiên phát hành trái phiếu panda với mục tiêu huy động khoảng hai tỷ nhân dân tệ (khoảng 280 triệu USD) thông qua trái phiếu kỳ hạn 3 năm với lợi suất 4,09%.
Ba Lan và Hungary cũng đã phát hành trái phiếu panda tại thị trường Trung Quốc trong năm 2016 và 2017-2018. Các nước thành viên Eurozone khác là Áo và Italy cho biết họ có thể có hành động tương tự.
Bồ Đào Nha, hiện đang phải đối mặt với nhiều vấn đề tài chính sau khi nhận gói cứu trợ từ EU và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) trong giai đoạn 2011-2014, đang phát hành trái phiếu ở thị trường châu Âu với kỳ hạn 10 năm và lợi suất gần 1%.
Với việc huy động vốn tại Trung Quốc, chính phủ có thể thu hút đầu tư vào các lĩnh vực như dịch vụ tài chính, cơ sở hạ tầng và giao thông vận tải. Ví dụ, cảng Sines của Bồ Đào Nha rất quan tâm đến việc thu hút đầu tư của Trung Quốc như một phần của mạng lưới hạ tầng theo khuôn khổ sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI) của Bắc Kinh.
Việc các tổ chức nước ngoài phát hành trái phiếu bằng đồng nhân dân tệ ở Trung Quốc (trái phiếu panda) được khởi động từ năm 2005.
[Trung Quốc cam kết mở rộng quyền tiếp cận cho doanh nghiệp ngoại]
Hoạt động mới bắt đầu nở rộ từ bốn năm trước nhờ sự ủng hộ của ngân hàng trung ương Trung Quốc, sau khi Bắc Kinh đưa ra sáng kiến "Con đường tơ lụa" nhằm mở rộng ảnh hưởng của nước này.
Frederic Rollin, cố vấn chiến lược đầu tư tại Pictet AM, nhận định Trung Quốc đang cố gắng mở cửa thị trường cho các nhà đầu tư và biến đồng nhân dân tệ thành một loại tiền tệ dự trữ.
Tổng số trái phiếu panda được phát hành cho đến nay, ước tính vào khoảng 48 tỷ USD, là khá nhỏ so với giá trị thị trường nợ của Trung Quốc, khoảng 13.000 tỷ USD.
Trong bối cảnh căng thẳng thương mại ngày càng tăng giữa Trung Quốc và Mỹ, Bồ Đào Nha đã theo chân Hy Lạp và một số nước Đông Âu tham gia các dự án thuộc BRI.
Cuối tháng Ba vừa qua, Italy đã trở thành nước thành viên Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) đầu tiên ký kết thỏa thuận tham gia BRI.
Tây Ban Nha cũng cho biết sẽ xem xét phát hành trái phiếu panda, sau khi Áo đã đưa ra phát biểu tương tự vào cuối tháng Tư vừa qua./.