Các quan chức Hy Lạp thúc đẩy tiến độ công việc kiểm toán

Hy Lạp cần đạt được tiến bộ đối với một số biện pháp đã thực hiện trước khi phái đoàn của EC có thể trở lại Hy Lạp để đánh giá tình hình.

Các quan chức Hy Lạp đang xúc tiến đàm phán với các chủ nợ quốc tế tại Paris (Pháp), nơi họ gặp nhau để thực hiện đợt kiểm tra cuối cùng đối với những biện pháp cải cách mà nước này cần thực hiện theo khuôn khổ của gói cứu trợ trị giá 240 tỷ euro.

Một người phát ngôn của Ủy ban châu Âu (EC), một trong ba chủ nợ quốc tế của Hy Lạp, cho biết cuộc họp diễn ra trong hai ngày 25-26/11 sẽ "đề cập đến các vấn đề chính và tiếp tục thực hiện công việc kiểm toán.”

Hy Lạp cần đạt được tiến bộ đối với một số biện pháp đã thực hiện trước khi phái đoàn của EC có thể trở lại Hy Lạp để đánh giá tình hình.

Người phát ngôn của Chính phủ Hy Lạp Sophia Voultepsi nhận định, đây là đợt kiểm toán cuối cùng nên dự kiến sẽ là khó khăn nhất. Để đáp ứng mục tiêu duy trì thâm hụt ngân sách ở mức 2% GDP, Hy Lạp sẽ cần thêm 2-3 tỷ euro so với mức dự kiến. Athens dự đoán kinh tế nước này sẽ tăng trưởng 2,9% năm 2015.

Trong khi đó, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) vừa lên tiếng khuyến cáo Hy Lạp về việc nước này sẽ phải đối mặt với một cuộc "khủng hoảng xã hội" có thể kéo dài trong hai thập niên tới, nếu đất nước không kịp thời hành động.

ILO cho hay giả định tỷ lệ tạo việc làm ở Hy Lạp đạt trung bình 1,3%/năm như trong giai đoạn trước suy thoái, thì thị trường lao động nước này sẽ không thể trở lại mức trước khủng hoảng cho đến năm 2034.

Mặc dù tỷ lệ thất nghiệp ở Hy Lạp đang “giảm tốc”, nhưng hiện vẫn có hơn 1,2 triệu người đăng ký thất nghiệp ở nước này, tương đương 25,9% lực lượng lao động trong tháng 8/2014, là thời kỳ cao điểm của mùa du lịch.

Chính phủ Hy Lạp nhận định kinh tế nước này sẽ thoát khỏi suy thoái trong năm nay, nhưng ILO cho rằng thậm chí với mức tăng trưởng 2%/năm thì nước này sẽ cần tới 13 năm để hồi phục kinh tế hoàn toàn.

Theo ILO, số người dân ở Hy Lạp có nguy cơ rơi vào cảnh nghèo tăng hơn gấp đôi trong 5 năm qua, từ mức trên 20% hồi năm 2008 (khi cuộc suy thoái kinh tế bắt đầu xày ra) lên 44% trong năm 2013. Cứ trong bốn người thì có một người bị mất việc làm trong giai đoạn này và ILO cho rằng Hy Lạp cần thực hiện các biện pháp khẩn cấp để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, giúp đưa nền kinh tế đất nước vào một lộ trình tăng trưởng bền vững./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục