Các quan chức EU kêu gọi WB loại bỏ đầu tư dự án nhiên liệu hóa thạch

Các quan chức châu Âu đã thúc giục Ngân hàng Thế giới (WB )loại trừ tất cả các khoản đầu tư liên quan đến than và dầu mỏ, đồng thời vạch ra những chính sách loại bỏ dần sản xuất điện từ khí đốt.
WB sẽ loại trừ việc đầu tư vào các dự án than hóa thạch trên thế giới. (Nguồn: ABC News)

Phát biểu với các quan chức tài chính của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ngày 26/2, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) David Malpass cho hay WB sẽ tiếp tục đầu tư kỷ lục cho việc giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu trong năm 2021, là năm thứ hai liên tiếp.

Các quan chức châu Âu đã thúc giục ban lãnh đạo WB mở rộng chiến lược chống biến đổi khí hậu và loại trừ các khoản đầu tư vào các dự án liên quan đến dầu và than hóa thạch khắp thế giới, và dần dần loại bỏ đầu tư vào các dự án khí đốt tự nhiên.

Trong bức thư dài sáu trang được gửi trong tuần qua, các giám đốc điều hành của WB đại diện các cổ đông lớn ở châu Âu và Canada, hoan nghênh động thái của ngân hàng này nhằm đảo bảo các khoản cho vay sẽ hỗ trợ nỗ lực giảm phát thải carbon.

[LHQ hoan nghênh Mỹ tham gia trở lại Hiệp định biến đổi khí hậu Paris]

Tuy nhiên, các giám đốc điều hành thúc giục WB - nhà cung cấp tài chính chống biến đổi khí hậu lớn nhất cho các nước đang phát triển - tiến xa hơn nữa “khi loại trừ tất cả các khoản đầu tư liên quan đến than và dầu mỏ, đồng thời vạch ra những chính sách loại bỏ dần sản xuất điện từ khí đốt để chỉ đầu tư vào các dự án điện khí đốt trong những trường hợp đặc biệt.”

Các quan chức châu Âu lưu ý WB về khoản đầu tư trị giá 620 triệu USD vào một dự án khí đốt tự nhiên tại Mozambique, được ban lãnh đạo ngân hàng này phê duyệt trong tháng 1/2021, song không kêu gọi hủy bỏ dự án này.

Ngân hàng WB xác nhận đã nhận được lá thư trên và lưu ý rằng WB và các tổ chức liên quan đã cung cấp 83 tỷ USD cho các hành động chống biến đổi khí hậu trong hơn 5 năm qua. Kế hoạch hành động về khí hậu đầu tiên của WB bắt đầu vào năm tài chính 2016.

Trong một động thái khác liên quan, Mỹ - cổ đông lớn nhất trong WB, trong tháng Hai này đã tái gia nhập Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu (COP21), và tuyên bố sẽ chuyển các tổ chức đa phương và tổ chức cho vay công của nước này theo hướng “đầu tư phù hợp với chống biến đổi khí hậu và tránh xa các khoản đầu tư cho nguồn phát thải carbon cao”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục