Các phiên tranh tụng tập trung vào quy trình bắt giữ CFO Huawei

Các phiên tranh tụng tập trung vào quy trình bắt giữ bà Mạnh Vãn Châu

Đội quân pháp lý của bà Mạnh Vãn Châu hy vọng tại các phiên tranh tụng (dự kiến kéo dài 5 ngày) sẽ thu thập được bằng chứng ủng hộ lý lẽ của họ rằng việc bắt giữ bà Mạnh là trái pháp luật.
Giám đốc Tài chính (CFO) của Huawei (Trung Quốc) Mạnh Vãn Châu rời khỏi Tòa án Tối cao British Columbia ở Vancouver (Canada) sau phiên xét xử, ngày 23/1/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Giám đốc Tài chính (CFO) của Huawei (Trung Quốc) Mạnh Vãn Châu rời khỏi Tòa án Tối cao British Columbia ở Vancouver (Canada) sau phiên xét xử, ngày 23/1/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Canada, Giám đốc Tài chính (CFO) của tập đoàn công nghệ Huawei, bà Mạnh Vãn Châu đã có mặt tại Tòa án Tối cao tỉnh British Columbia, Canada, vào ngày 26/10 để tiếp tục "cuộc chiến" mà giới quan sát nhận định là "trường kỳ" nhằm chống lại lệnh dẫn độ của Mỹ.

Đội quân pháp lý của bà Mạnh hy vọng tại các phiên tranh tụng (dự kiến kéo dài 5 ngày) sẽ thu thập được bằng chứng ủng hộ lý lẽ của họ rằng việc bắt giữ bà Mạnh là trái pháp luật.

Các phiên tranh tụng sẽ tập trung vào quy trình bắt giữ bà Mạnh ở sân bay quốc tế Vancouver, Canada, hồi tháng 12/2018.

Các luật sư bảo vệ bà Mạnh cho rằng các cơ quan chức năng của Canada đã thực hiện những trao đổi không phù hợp với các đối tác Mỹ, trong đó có việc chia sẻ những thông tin chi tiết liên quan đến các thiết bị điện tử cá nhân của bà Mạnh.

[Vụ dẫn độ CFO của Huawei: Các phiên tranh tụng tiếp tục vào tháng 10]

Phía Canada đã bác bỏ cáo buộc này và cung cấp bản khai có tuyên thệ từ các thành viên của Cơ quan cảnh sát Hoàng gia Canada (RCMP) liên quan đến vụ bắt giữ bà Mạnh.

Cảnh sát Winston Yep (thuộc RCMP), nhân chứng đầu tiên ra đối chất,  nói trước Tòa rằng việc trao đổi một số thông tin giữa các cơ quan chức năng của Canada và đối tác nước ngoài là mang tính đặc thù trong các yêu cầu dẫn độ và viên cảnh sát này không liên lạc trực tiếp với các nhân viên Mỹ trong đêm trước khi bà Mạnh bị bắt giữ.

Cảnh sát Yep cho biết, Mỹ cũng yêu cầu các thiết bị điện tử của bà Mạnh phải được đặt trong một túi chuyên dụng, nhằm phòng tránh khả năng nội dung (trong các thiết bị) bị xóa từ xa. Theo ông Yep, liên quan đến đề nghị bắt giữ bà Mạnh của Mỹ, không có gì là bất thường.

Bà Mạnh Vãn Châu, 48 tuổi, con gái của nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi, bị cáo buộc hồi tháng 8/2013 đã lừa gạt ngân hàng HSBC về mối quan hệ của Huawei với Skycom - công ty bị buộc tội vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran.

Mỹ cho rằng Skycom thực chất là một công ty con của Huawei và rằng HSBC (cũng như các ngân hàng khác) bị rơi vào thế rủi ro, có nguy cơ bị truy tố và tổn thất về tài chính nếu tiếp tục cung cấp tài chính cho Huawei dựa trên những lời đảm bảo của bà Mạnh. Trong khi đó, bà Mạnh đã bác bỏ cáo buộc này. Các phiên tranh tụng dự kiến sẽ kết thúc vào tháng 4/2021.

Đã gần hai năm trôi qua kể từ ngày bà Mạnh bị Canada bắt giữ theo đề nghị của Mỹ. Trong nhiều động thái mà giới quan sát cho rằng để trả đũa Ottawa, Bắc Kinh đã giam giữ hai công dân Canada (Michael Kovrig và Michael Spavor) với cáo buộc hoạt động gián điệp, đồng thời áp dụng các biện pháp hạn chế nông sản của Canada vào thị trường Trung Quốc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục