Các phiến quân Hồi giáo chiếm 2 mỏ dầu tại miền Trung Libya

Theo người phát ngôn cơ quan an ninh dầu mỏ Libya, hai mỏ dầu al-Bahi và al-Mabrouk, cách thủ đô Tripoli khoảng 500km về phía Đông, đã rơi vào tay phiến quân.
Các phiến quân Hồi giáo chiếm 2 mỏ dầu tại miền Trung Libya ảnh 1Một cảng xuất khẩu dầu của Libya. (Nguồn: Usatoday.com)

Theo người phát ngôn cơ quan an ninh dầu mỏ Libya, hai mỏ dầu al-Bahi và al-Mabrouk, cách thủ đô Tripoli khoảng 500km về phía Đông, đã rơi vào tay phiến quân sau khi lực lượng bảo vệ rút khỏi khu vực này do không có đủ vũ khí để phản công.

Hiện các tay súng Hồi giáo đang tìm cách đánh chiếm mỏ dầu al-Dahra gần đó.

Hai mỏ dầu nói trên đã phải đóng cửa và toàn bộ nhân viên đã được sơ tán kể từ sau cuộc tấn công của phiến quân nhằm vào mỏ dầu al-Mabrouk hồi tháng trước khiến ít nhất 12 người thiệt mạng.

Cũng trong ngày 3/3, các máy bay chiến đấu của lực lượng Fajr Libya (Bình minh Libya) đã không kích cảng biển chính Al-Sidra và Ras Lanuf song không gây thiệt hại đáng kể.

Đáp trả cuộc tấn công này, không quân chính phủ Libya cũng không kích các mục tiêu của phiến quân ở sân bay Mitiga do lực lượng Fajr Libya kiểm soát. Mitiga hiện là sân bay duy nhất còn hoạt động tại thủ đô Tripoli sau khi các phiến quân Hồi giáo phá hủy Sân bay quốc tế Tripoli và kiểm soát toàn bộ thủ đô của Libya hồi tháng 8 năm ngoái.

Các diễn biến trên xảy ra chỉ vài ngày trước vòng đàm phán mới do Liên hợp quốc làm trung gian giữa các phái đối địch tại Libya dự kiến được tổ chức vào ngày 5/3 tại Maroc nhằm tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng hoảng tại Libya.

Bạo lực leo thang tại Libya kể từ sau cuộc chính biến lật đổ nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi năm 2011. Các nhóm phiến quân gia tăng hoạt động nhằm đánh chiếm các thành phố và đòi quyền lợi từ dầu mỏ.

Liên minh Fajr Libya hiện chiếm giữ thủ đô Tripoli và lập chính phủ riêng, trong khi chính phủ được quốc tế công nhận và quốc hội dân bầu đã phải rút về hoạt động ở miền Đông.

Xung đột kéo dài đã gây ra khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng, làm ít nhất 120.000 người phải rời bỏ chỗ ở, đẩy đất nước vào tình trạng thiếu lương thực và thuốc men, trong khi số người thương vong do bạo lực ngày càng tăng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục