Ngày 15/5, tại thủ đô Bamako của Mali, đại diện chính phủ nước này, các phong trào vũ trang và nhóm trung gian hòa giải quốc tế do Algeria đứng đầu đã ký thỏa thuận hòa bình và hòa giải dân tộc, văn kiện trước đó đã được ký tắt hôm 1/3 tại Alger.
Tuy nhiên, các nhóm vũ trang chính ở miền Bắc Mali do người Tuareg dẫn đầu đã không có mặt tại lễ ký chính thức thỏa thuận này.
Văn kiện trên có tên gọi là “Thỏa thuận Algiers," được ký bởi Ngoại trưởng Mali Abdoulaye Diop, ba đại diện của các nhóm vũ trang thân chính phủ và hai đại diện của nhóm thiểu số trong lực lượng nổi dậy Tập hợp Các phong trào Azaward (CMA).
Tuy nhiên, ba nhóm phiến quân chính trong CMA là Phong trào Quốc gia Giải phóng Azawad (MNLA), Hội đồng cấp cao vì Thống nhất Azawad (HCUA) và Phong trào Arab của Azawad (MAA) đã không tham gia lễ ký như thông báo trước đó.
Ngoài ra, tham dự lễ ký còn có nhóm nhà trung gian hòa giải do Algeria dẫn đầu, trong đó có Chủ tịch Liên minh châu Phi (AU), Tổng thống Zimbabwean Robert Mugabe, cùng khoảng 20 nhà lãnh đạo các nước trong khu vực và nhiều quan chức cấp cao khác.
Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã hoan nghênh việc ký kết thỏa thuận hòa bình trên, coi đây là bước tiến quan trọng để tạo dựng một nền hòa bình bền vững tại Mali. Ông bày tỏ mong muốn các các nhóm vũ trang chính ở miền Bắc do người Tuareg dẫn đầu sẽ ký thỏa thuận này vào thời điểm thích hợp.
Bộ trưởng Phát triển Pháp Annick Girardin khẳng định đây là một bước tiến quan trọng và Mali chỉ có thể phát triển khi đạt được hòa bình. Theo giới quan sát, cộng đồng quốc tế coi lễ ký trên là một phần thành công khi ít nhất một số nhóm phiến quân thuộc CMA đã ký thỏa thuận.
Mali rơi vào hỗn loạn sau cuộc đảo chính quân sự tháng 3/2012 khiến miền Bắc nước này trở thành sào huyệt của phiến quân Tuareg, vốn là nhánh khủng bố al-Qaeda ở Bắc Phi (AQIM). Quân đội Pháp và các nước châu Phi đã phải can thiệp quân sự từ tháng 1/2013./.