Các phe phái đối địch tại Libya tiến hành vòng hòa đàm mới

Vòng hòa đàm mới giữa các phe phái đối địch của Libya đã được nối lại tại Geneva trong bối cảnh quốc gia Bắc Phi này tiếp tục chìm trong bất ổn
Các phe phái đối địch tại Libya tiến hành vòng hòa đàm mới ảnh 1Trưởng UNSMIL Bernardino Léon và các đại biểu sau cuộc họp của các bên về xung đợt ở Libya tại trụ sở Liên hiệp quốc, Geneva. (Nguồn: UN Photo)

Ngày 26/1, vòng hòa đàm mới giữa các phe phái đối địch của Libya đã được nối lại tại Geneva trong bối cảnh quốc gia Bắc Phi này tiếp tục chìm trong bất ổn.

Vòng đàm phán trên diễn ra sau khi Phái bộ Hỗ trợ của LHQ tại Libya (UNSMIL) kêu gọi tất cả các bên "tham gia đối thoại với tinh thần cởi mở và hoà giải vì lợi ích quốc gia cao nhất của người dân Libya".

UNSMIL cho biết một cuộc họp khác cũng sẽ diễn ra tại Geneva trong tuần này nhằm giúp các đại diện hội đồng địa phương từ các thành phố, thị trấn trên khắp Libya thảo luận về việc "xây dựng các biện pháp và cách thực thực thi".

Ngoài ra, phái bộ còn lên kế hoạch cho một số cuộc gặp khác ở giai đoạn tiếp theo với sự tham gia của đại diện các đảng phái chính trị, xã hội, bộ lạc cũng như các nhóm vũ trang tại Libya.

Tham gia đàm phán lần này, ngoài đại diện các phe phái chính trị còn có đại diện một loạt tổ chức dân sự tại Libya. Tuy nhiên, Liên minh Hồi giáo Fajr Libya (Bình minh Libya), vốn giành quyền kiểm soát thủ đô Tripoli từ mùa Hè năm ngoái, đã không cử đại diện chính thức.

Trước đó, ngày 16/1 vừa qua, Liên minh Hồi giáo Fajr Libya tuyên bố nhất trí về "một thỏa thuận ngừng bắn trên toàn mặt trận" ở quốc gia Bắc Phi này nếu "các bên khác tôn trọng thỏa thuận ngừng bắn".

Tuyên bố trên được Fajr Libya đưa ra sau khi các phe phái tham chiến ở Libya đã nhất trí về một lộ trình thành lập một chính phủ đoàn kết sau vòng hòa đàm đầu tiên diễn ra ở Geneva trong hai ngày 14 và 15/1.

Ba năm sau làn sóng chính biến lật đổ nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi, Libya vẫn đang phải đối mặt với tình trạng bạo lực leo thang nghiêm trọng và bế tắc chính trị với sự tồn tại của hai chính phủ, hai quốc hội.

Hiện liên minh Hồi giáo Fajr Libya đang chiếm thủ đô Tripoli và lập chính phủ riêng, trong khi chính phủ được quốc tế công nhận của Libya đã phải rời trụ sở về thành phố Al-Beida, cách thủ đô Tripoli 1.200 km, sau khi từng tạm hoạt động tại các thị trấn Tobruk và Shohat ở cực Đông đất nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục