Đặc phái viên Liên hợp quốc về vấn đề Yemen, ông Ould Cheikh Ahmed cho biết các phái đối địch tại Yemen đã tiến hành cuộc đàm phán trực tiếp đầu tiên vào ngày 23/5, sau khi các đại diện chính phủ trở lại bàn đàm phán.
Trên tài khoản Twitter, ông Cheikh Ahmed nói rằng một cuộc gặp chung giữa hai phái đoàn tham gia tiến trình đàm phán hòa bình do Liên hợp quốc bảo trợ tại Kuwait, đã bắt đầu vào sáng 23/5.
Trước đó, ngày 21/5, Chính phủ Yemen tuyên bố trở lại bàn đàm phán. Quyết định này được đưa ra sau cuộc hội đàm giữa Tổng thống Yemen Mansour Hadi với Quốc vương Qatar - Sheikh Tamim bin Hamad al-Thani, Quốc vương Kuwait - Sabah al-Ahmad al-Sabah và Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon.
Các cuộc đàm phán đã bắt đầu từ ngày 21/4, sau khi một thỏa thuận ngừng bắn được thực thi giúp giảm bớt giao tranh trên cả nước. Đàm phán tập trung vào những yêu cầu của chính phủ đòi phiến quân Houthi giao nộp vũ khí và rút khỏi những thành phố mà nhóm này chiếm đóng, cũng như đề xuất của Houthi về việc thành lập chính phủ mới bao gồm cả lực lượng nổi dậy.
Tuy nhiên, ngày 17/5, các đại diện của chính quyền đã rút khỏi đàm phán, nhấn mạnh sẽ chỉ quay trở lại nếu Houthi thực hiện cam kết rút khỏi các thành phố đang chiếm đóng và giao nộp vũ khí, thực thi đầy đủ Nghị quyết 2216 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc hồi tháng 4/2015.
Chính phủ Yemen hiện phải đặt trụ sở ở thành phố cảng Aden (miền Nam) trong khi phiến quân Houthi chiếm đóng thủ đô Sanaa. Tổng thống Hadi đã phải lưu vong sang Saudi Arabia.
Năm 2015, Riyadh đã thành lập một liên minh Arab gồm hầu hết các quốc gia Arab vùng Vịnh, chủ yếu tiến hành không kích nhằm đẩy lùi phiến quân.
Theo số liệu của Liên hợp quốc, các cuộc giao tranh đã làm hơn 6.400 người thiệt mạng, và hơn 2.8 triệu người phải đi sơ tán và đẩy 82% dân số Yemen vào cảnh cần trợ giúp khẩn cấp./.