Các nước vùng Vịnh thúc đẩy các ứng dụng thành phố thông minh

Các nước thành viên của Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh đang tiến một bước dài trong việc trong việc phát triển các ứng dụng dùng trong các thành phố thông minh.
Các nước vùng Vịnh thúc đẩy các ứng dụng thành phố thông minh ảnh 1Trung tâm thành phố Dubai của Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất. (Nguồn: Reuters)

Nhà cung cấp các dịch vụ kiểm toán và tư vấn tài chính Deloitte hôm 29/3 cho hay các nước thành viên của Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) đang tiến một bước dài trong việc trong việc phát triển các ứng dụng dùng trong các thành phố thông minh.

Trong báo cáo dự báo công nghệ, truyền thông và viễn thông (TMT) tại khu vực Trung Đông, Deloitte nhất mạnh trong một thập kỷ qua, GCC đã ra mắt 6 dự án phát triển các ứng dụng của thành phố thông minh.

Các quốc gia vùng Vịnh đang lên kế hoạch tăng gấp đôi con số này trong vòng 2-3 năm tới. Các chuyên gia tư vấn chiến lược của Deloitte dự báo rằng phần lớn các thành phố mới phát triển trong tương lai sẽ được tích hợp ít nhất một yếu tố của cơ sở hạ tầng "thông minh."

Sự gia tăng của các thành phố thông minh trong khu vực Trung Đông được hỗ trợ bởi các khoản đầu tư của các chính phủ GCC trong các lĩnh vực hành chính, kế hoạch, dịch vụ chính phủ điện tử và dịch vụ di động.

Trong năm 2015, các nước thành viên của GCC sẽ tiến hành xây dựng bộ dữ liệu mở và trong vòng 3-5 năm tới. Các nước thuộc "nửa trên" của GCC sẽ trở thành các quốc gia có độ "mở" nhiều nhất trên thế giới.

Sự phát triển mạnh của các dịch vụ chính phủ điện tử trên di động (m-gov) trong khu vực Trung Đông đang được thúc đẩy nhờ sự gia tăng của các ứng dụng trên điện thoại thông minh. Deloitte dự đoán rằng các ứng dụng trên điện thoại thông minh sẽ vượt qua con số 500 vào năm 2016.

Santino Saguto, Giám đốc phụ trách mảng công nghệ, truyền thông và viễn thông của Deloitte tại Trung Đông cho hay các nước trong khu vực hiện nắm giữ 24% các cơ sở dịch vụ m-gov toàn cầu, trong đó các quốc gia GCC chiếm trên 85% dịch vụ m-gov của khu vực.

Deloitte dự báo rằng trong vòng 3-4 năm tới, nền kinh tế số Hồi giáo của khu vực Trung Đông sẽ tăng gần gấp đôi về giá trị chi tiêu trực tuyến đối với các sản phẩm tiêu dùng và dịch vụ, từ mức khoảng 15 tỷ USD hiện nay lên hơn 30 tỷ USD vào năm 2018./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục