Các nước vùng Vịnh có thể xây dựng liên minh quân sự

Quan hệ an ninh đặc biệt giữa các nước vùng Vịnh với Mỹ yếu đi có thể là lý do khiến các nước vùng Vịnh tăng cường hợp tác với nhau.
Cảnh sát Qatar. Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP)

Theo Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), thỏa thuận hạt nhân tạm thời vừa đạt được giữa Iran và nhóm P5+1 và sự "tan băng" trong mối quan hệ giữa Tehran và phương Tây trong những tháng gần đây đang khiến cho các quốc gia vùng Vịnh đặc biệt lo ngại.

Mối quan hệ gần gũi hơn giữa Iran và phương Tây có thể làm yếu đi quan hệ an ninh đặc biệt giữa các nước vùng Vịnh với Mỹ và châu Âu, nhưng điều này cũng có thể là lý do khiến các nước trong khu vực tăng cường hợp tác với nhau.

Trước đây, các quốc gia vùng Vịnh, gồm Bahrain, Kuwait, Oman, Qatar, Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE), phải phụ thuộc vào các thỏa thuận đảm bảo an ninh song phương với Mỹ, nhưng giờ đây những nước này đang có cơ hội để tăng cường liên minh trong khuôn khổ Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC).

Lo ngại về khả năng Mỹ giảm dần sự hiện diện và cam kết ở vùng Vịnh có thể giúp các nước trong khu vực quyết tâm hơn trong việc phá bỏ những rào cản đối với những nỗ lực thắt chặt quan hệ quốc phòng và chuyển đổi GCC từ một cơ quan tư vấn thành một cơ quan điều phối, với cơ cấu liên minh quân sự hiệu quả hơn.

Quan hệ giữa Mỹ và các quốc gia vùng Vịnh đã trở nên căng thẳng từ trước khi Iran và phương Tây nối lại quan hệ và ông Hassan Rowhani đắc cử Tổng thống Iran hồi tháng 6 vừa qua.

Phong trào "Mùa Xuân Arập" đã khiến cho các nước thành viên GCC, đặc biệt là Saudi Arabia, bất đồng với Mỹ về cách thức phản ứng trước cuộc khủng hoảng ở Syria và Ai Cập, cũng như tình hình bất ổn ở ngay chính các quốc gia GCC.

Saudi Arabia đã thể hiện sự bất bình về chính sách của Washington trong khu vực bằng việc từ chối ghế không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Trong khi đó, chiến lược "chuyển trọng tâm" sang châu Á của Tổng thống Barack Obama, việc Mỹ cắt giảm chi tiêu quân sự và sự giảm phụ thuộc của nước này vào nguồn dầu mỏ nhập khẩu cũng khiến cho các nước vùng Vịnh nghi ngờ về các cam kết dài hạn của Washington đối với khu vực.

Kể từ khi GCC được thành lập năm 1981, các nước vùng Vịnh đã toan tính thiết lập một liên minh an ninh trong khu vực nhằm đối phó với những mối đe dọa an ninh từ Iraq và Iran. Tuy nhiên, GCC vẫn gặp rất nhiều khó khăn trong việc thiết lập một cơ chế hợp tác quân sự giữa 6 nước thành viên.

Lực lượng Phòng vệ GCC (PSF) - một tổ chức quân sự chung được thành lập năm 1984 - đã không thể ngăn chặn được mối đe dọa từ Iraq, dẫn tới việc nước này xâm chiếm Kuwait năm 1990.

Việc tổ chức này tham gia vào các chiến dịch giải phóng Kuwait do Mỹ dẫn dắt cũng chỉ mang tính biểu tượng. Sau đó, các nước vùng Vịnh đã ký kết các thỏa thuận hợp tác quốc phòng song phương với Mỹ thay vì phát triển một liên minh quân sự với sự hội nhập, hợp tác và phối hợp đồng bộ hơn.

Hợp tác an ninh biển trong khuôn khổ Lực lượng Hải quân Chung (CMF) vẫn được coi là một trong những mô hình hợp tác hiệu quả mặc dù chủ yếu nhờ vào sự dẫn dắt của Mỹ.

Sự kình địch giữa các nước thành viên, việc thiếu các thể chế cần thiết và quyết tâm chính trị đã cản trở nỗ lực của GCC trong việc xây dựng một liên minh quân sự. Các nước nhỏ hơn lo ngại rằng bất cứ hình thức liên minh quân sự nào của GCC cũng sẽ do Saudi Arabia lãnh đạo và điều này không có lợi cho chủ quyền của mình.

Cho dù mối bất hòa giữa Mỹ và vùng Vịnh cho thấy một thực trạng địa chính trị mới hay chỉ là một sự thay đổi mang tính tạm thời thì các quốc gia trong khu vực vẫn cần phải tăng cường hợp tác đa phương giữa quân đội của mình.

Sự đổ vỡ trong quan hệ với Mỹ là hoàn toàn có thể xảy ra và điều này sẽ rất tai hại. Vì vậy, xây dựng một liên minh quốc phòng với sự hợp tác chặt chẽ hơn chắc chắn sẽ mang lại lợi ích, đó là tăng cường sự ổn định và an ninh trong khu vực./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục