Các nước vùng Sahel tìm giải pháp đối phó với 'thánh chiến'

Tổng thống Mali Ibrahim Boubacar Keita khẳng định tình đoàn kết với nước láng giềng Niger nhằm tìm giải pháp hiệu quả đối phó với thánh chiến.
Các nước vùng Sahel tìm giải pháp đối phó với 'thánh chiến' ảnh 1Lực lượng binh sỹ Niger. (Nguồn: AP)

Ngày 15/12, lãnh đạo Nhóm 5 nước vùng Sahel châu Phi (gọi tắt là G5 Sahel - gồm Mali, Burkina Faso, Niger, Mauritania và CH Chad) bắt đầu họp trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp ở Niger, để thảo luận, phối hợp tìm ra cách thức đối phó với mối đe dọa "thánh chiến," sau vụ tấn công của các phần tử cực đoan vào một doanh trại quân đội ở Niger, khiến 71 người thiệt mạng hôm 10/12 vừa qua.

Trong buổi diễn thuyết tổ chức tại thủ đô Bamako, Tổng thống Mali Ibrahim Boubacar Keita khẳng định tình đoàn kết với nước láng giềng Niger nhằm tìm giải pháp hiệu quả đối phó với thánh chiến.

Trước đó, G5 Sahel đã thành lập một lực lượng đặc nhiệm chung để chống lại các nhóm thánh chiến, nhưng lực lượng này hiện hoạt động không hiệu quả.

[IS nhận là thủ phạm vụ tấn công nhằm vào doanh trại quân đội tại Niger]

Vụ tấn công nhằm vào doanh trại quân đội ở Niger được cho là đẫm máu và nguy hiểm nhất kể từ năm 2015. Tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã nhận đứng sau vụ việc này.

Ngay sau khi vụ tấn công xảy ra, Tổng thống Niger Issoufou Mahamadou đã phải rút ngắn chuyến công du đến Ai Cập tham dự hội nghị hòa bình và an ninh để trở về nước giải quyết tình hình. Niger đã tuyên bố 3 ngày quốc tang để tưởng niệm những nạn nhân của vụ tấn công.

Vụ tấn công này cũng đã buộc Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phải hoãn cuộc họp với lãnh đạo các nước khu vực Sahel để thảo luận về tình hình an ninh.

Bạo lực thánh chiến đã bùng phát khi các nhóm Hồi giáo vũ trang nổi dậy ở miền Bắc Mali năm 2012, sau đó đã lan rộng khắp khu vực Sahel rộng lớn, đặc biệt ở Burkina Faso và Niger./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục