Trung Đông vốn là nơi mà chất lượng giáo dục thường bị xếp loại yếu kém và tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp không có việc làm thường cao hơn so với các khu vực khác.
Các nhà giáo dục và giới chức các nước Arab đang nghiên cứu và tìm cách xây dựng một hệ thống xếp loại nhằm đánh giá các trường đại học trong khu vực chuẩn xác hơn.
Phát biểu tại hội nghị của các nhà giáo dục về xây dựng hệ thống xếp loại toàn diện dành cho các trường đại học tại các nước thành viên Liên đoàn Arab (AL) mới đây, Giám đốc bộ phận nghiên cứu khoa học thuộc Tổ chức Giáo dục, Văn hóa và Khoa học của AL, ông Abul-Kacem Hassan al-Badri cho biết: “Chúng tôi phải trả lời câu hỏi tại sao hệ thống trường đại học ở các nước Arab không thể đào tạo ra những sinh viên tài năng, những người lập nên các doanh nghiệp để chính họ và những người khác làm ra của cải vật chất.”
Ông khẳng định cuộc khủng hoảng về tình trạng thất nghiệp quy mô lớn trong nhóm những người tốt nghiệp đại học ở khu vực các nước Arab là mối quan ngại chính của tổ chức. Theo ông, các trường đại học các nước có trách nhiệm xã hội và vai trò đi đầu trong việc phát triển kinh tế và xã hội của thế giới Arab.
Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), trong hơn hai thập kỷ qua, các nước Arab đã dành ngân sách cho lĩnh vực giáo dục lớn hơn các nước đang phát triển khác. Tuy nhiên, kết quả đạt được lại rất nghèo nàn, sinh viên các nước Arab vẫn bị tụt hậu, thua kém so với các bạn cùng trang lứa ở nhiều nước.
[Bảy trường đại học hàng đầu của Thái Lan bị tụt hạng]
Để cải thiện tình trạng này, ông Badri và nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng các trường đại học Arab cần phải giúp các sinh viên của mình phát triển các kỹ năng có thể đáp ứng các nhu cầu của nhiều lĩnh vực khác nhau, đồng thời triển khai các dự án nghiên cứu phát triển.
Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu khoa học thuộc Bộ Giáo dục Đại học Tunisia Abdelmajid Ben Ammar cho rằng việc triển khai nhiều đề tài nghiên cứu khoa học, một yếu tố then chốt khi đánh giá xếp hạng các trường đại học, nên được ưu tiên và chú trọng.
Theo ông, mô hình xếp hạng mới sẽ giúp các trường đại học của khu vực cải thiện chất lượng đào tạo. Việc đưa ra những tiêu chuẩn đánh giá, xếp loại và những chỉ số cơ bản có thể giúp đánh giá và ghi nhận sự cải thiện, tiến bộ của các cơ sở đào tạo một cách khách quan, chính xác.
Ông Ammar cho rằng còn có một mục tiêu khác, đó chính là mô hình này sẽ góp phần tăng cường quan hệ giữa các trường đại học thuộc khối Arab nhằm thúc đẩy việc chia sẻ kiến thức, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, hợp tác giữa các trường đại học trong vùng.
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục, trong khi một số ít các trường đại học Arab, trong đó có trường Đại học El Manar và Sfax của Tunisia, gần đây đã cải thiện được vị trí xếp hạng trong bảng xếp hạng toàn cầu, phần lớn các trường đại học Arab không “sánh vai” được với các trường ở châu Âu, Mỹ hay thậm chí ở châu Á.
Các hệ thống xếp hạng các trường đại học hàng đầu thế giới như “Times Higher Education World University Rankings”, “Academic Ranking of World Universities” hay “QS World University Rankings”.... đều chú trọng những yếu tố như chất lượng nghiên cứu, chất lượng đào tạo của các khoa và sự thành công của sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường.
Các trường đại học ở Mỹ, châu Âu và châu Á đang chiếm những vị trí cao nhất trong bảng xếp hạng đại học được quốc tế công nhận.
Chuyên gia Badri cho rằng một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự tụt hậu của các trường đại học Arab là tình trạng thiếu ngân sách.
Ông đã so sánh giữa trường Đại học Ain Shams của Ai Cập vốn đào tạo 170.000 sinh viên với ngân sách khoảng 400 triệu USD với các trường đại học hàng đầu của phương Tây, vốn chỉ đào tạo khoảng 20.000 sinh viên với ngân sách hàng năm lên tới 5 tỷ USD.
Ông Badri phân tích: “Với ngân sách thấp như vậy, một trường đại học Arab không thể thuê các giảng viên đoạt giải Nobel về giảng dạy hay thực hiện chương trình nghiên cứu lớn hơn.”
Trong khi đó, Bộ trưởng Giáo dục Đại học Tunisia Slim Khalbous cho rằng hệ thống xếp loại giáo dục đại học ở các nước Arab nên hoạch định những chiến lược hiệu quả nhất để khắc phục những điểm yếu và phát huy những thế mạnh.
Tại Ai Cập, bên cạnh việc đổi mới chương trình đào tạo các bậc học phổ thông, nước này chủ trương hợp tác với các nước phát triển để học tập kinh nghiệm, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục đại học và sau đại học.
Nhật Bản là một trong những đối tác được Ai Cập nhắm tới để thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực này. Bộ trưởng Giáo dục Đại học Khaled Abdel Ghaffar vừa có chuyến công du Nhật Bản để thảo luận với người đồng cấp Nhật Bản Masahiko Shibayama về các cách thức thúc đẩy hợp tác khoa học, phát triển quan hệ và hợp tác giữa các trường đại học nhằm cải thiện chất lượng đào tạo và nghiên cứu ở Ai Cập.
Cairo mong muốn mời các chuyên gia Nhật Bản sang hỗ trợ đào tạo tại các trường đại học công nghệ. Đây được xem là bước đi có tầm nhìn xa của chính phủ nước này.
Bên cạnh đó, Ai Cập hiện đang triển khai chương trình giáo dục mới trên phạm vi cả nước. Việc áp dụng hệ thống mới này đã được thực hiện từ đầu năm học mới vào tháng 9 vừa qua.
Bộ trưởng Giáo dục Tarek Shawki cho biết đến nay, 85% chương trình giáo dục mới, trong đó có việc đào tạo giáo viên, phổ cập Internet tại các trường học, phát hành sách giáo khoa mới, đã hoàn thành.
Chương trình đào tạo mới này được xây dựng nhằm giúp học sinh giảm sự phụ thuộc vào sách giáo khoa ở trường và khuyến khích học sinh tự tìm kiếm thông tin cũng như ứng dụng các công nghệ thông tin hiện đại vào việc học tập./.