Ngày 9/5, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Iran Hassan Rouhani.
Hai bên đã nhất trí hợp tác hướng tới việc tiếp tục thực thi thỏa thuận hạt nhân có tên gọi "Kế hoạch Hành động chung toàn diện" (JCPOA) ký giữa Tehran với nhóm P5+1 (gồm 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là Nga, Trung Quốc, Mỹ, Anh, Pháp và Đức).
Tuyên bố của Văn phòng tổng thống Pháp nêu rõ hai nhà lãnh đạo đã nhất trí theo đuổi nỗ lực chung với các tất cả quốc gia liên quan với mục tiêu tiếp tục thỏa thuận hạt nhân và duy trì ổn định khu vực.
Trong cuộc điện đàm, Tổng thống Macron đã hối thúc người đồng cấp Iran tôn trọng sự toàn vẹn của thỏa thuận JCPOA, bất chấp việc Mỹ quyết định rút khỏi thỏa thuận này.
Ngoài ra, ông Macron cũng khẳng định với Tổng thống Rouhani về mong muốn của Pháp duy trì sự tồn tại của JCPOA và hối thúc Tehran thực hiện điều tương tự.
Cùng ngày, theo phóng viên TTXVN tại Ottawa, Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland tuyên bố nước này ủng hộ việc duy trì thỏa thuận hạt nhân JCPOA, cho rằng đây là công cụ hữu hiệu ngăn Tehran phát triển vũ khí hạt nhân.
Trong một tuyên bố, bà Freeland nhấn mạnh: “Canada ủng hộ một trật tự quốc tế dựa trên luật định hiện có hiệu quả và tin tưởng rằng JCPOA là cần thiết để ngăn chặn Iran phát triển năng lực sản xuất vũ khí hạt nhân, cũng như đảm bảo an ninh khu vực và toàn cầu."
Cũng theo người đứng đầu ngành ngoại giao Canada, JCPOA đã đưa chương trình hạt nhân Iran vào cơ chế kiểm chứng quốc tế nghiêm ngặt chưa từng có của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA).
Mặc dù thoả thuận này có thể chưa thực sự hoàn hảo nhưng đã giúp kiềm chế mối đe doạ thực sự đối với hoà binh và an ninh quốc tế.
Bà Freeland lấy làm tiếc về việc Mỹ quyết định rút khỏi JCPOA trong bối cảnh IAEA đánh giá Iran vẫn đang tiếp tục thực hiện các cam kết của họ trong JCPOA.
Mặc dù ủng hộ duy trì JCPOA, Bộ trưởng Freeland vẫn tái khẳng định quan điểm lên án chương trình phát triển tên lửa đạn đạo của Iran.
[Iran khẳng định không thể bị đe dọa về mặt quân sự]
Bà nêu rõ Canada sẽ duy trì các biện pháp trừng phạt nhằm vào chương trình tên lửa đạn đạo của Tehran, đồng thời nhấn mạnh sẽ tiếp tục làm việc chặt chẽ với các đối tác và đồng minh để xác minh mối quan hệ của Iran với các tổ chức khủng bố, điều mà Tehran luôn bác bỏ.
Từ Seoul, Nhà Xanh cho biết Hàn Quốc sẽ tiến hành hạn chế tối đa ảnh hưởng từ quyết định của Mỹ liên quan đến JCPOA đối với các công ty Hàn Quốc. Trong một thông báo, Nhà Xanh cũng bày tỏ ủng hộ các nỗ lực nhằm giải quyết vấn đề Iran một cách hòa bình.
Tại Ấn Độ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước này Raveesh Kumar nêu rõ Ấn Độ luôn duy trì quan điểm rằng vấn đề hạt nhân của Iran nên được giải quyết một cách hòa bình thông qua đối thoại và ngoại giao, với sự tôn trọng quyền sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình của Tehran.
Do đó, Ấn Độ kêu gọi tất cả các bên nên can dự một cách xây dựng để giải quyết các vấn đề phát sinh theo hướng tôn trọng JCPOA.
Trước đó, trong bài phát biểu chiều 8/5 (rạng sáng 9/5 theo giờ Hà Nội), Tổng thống Trump đã tuyên bố rút Mỹ khỏi thỏa thuận JCPOA.
Trong tuyên bố mới nhất, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis tuyên bố Mỹ sẽ tiếp tục hợp tác với các đồng minh để đảm bảo Iran không đạt được vũ khí hạt nhân, và sẽ phối hợp với các bên khác để giải quyết ảnh hưởng của Iran trong khu vực.
Ngoại trưởng Anh Boris Johnson nêu rõ sau khi rút khỏi thỏa thuận JCPOA, trách nhiệm của Mỹ là đề ra cách thức xây dựng giải pháp mới cho mối quan ngại chung.
Ông cho biết mặc dù không phản đối mục tiêu của Tổng thống Trump là tìm ra giải pháp dài hạn cho vấn đề hạt nhân và các chính sách khác của Iran, song vấn đề đặt ra là Mỹ làm sao đạt được điều này. Bên cạnh đó, quan chức này cũng khẳng định London sẽ nỗ lực hết sức để bảo vệ lợi ích thương mại của Anh./.