Các nước thành viên G7 tán thành cấm nhập khẩu vàng của Nga

Theo Nhà Trắng, Nga chiếm khoảng 5% tổng lượng vàng xuất khẩu trên thế giới trong năm 2020 và 90% lượng vàng xuất khẩu của Nga là xuất sang các nước G7 - chủ yếu là Anh.
Các nước thành viên G7 tán thành cấm nhập khẩu vàng của Nga ảnh 1(Ảnh minh họa. Nguồn: Reuters)

Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã nhất trí cấm nhập khẩu vàng của Nga như một phần trong nỗ lực gia tăng sức ép buộc Moskva phải chấm dứt chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Mỹ và Anh sẽ đưa ra tuyên bố nêu trên khi các nhà lãnh đạo G7 tham dự hội nghị thượng đỉnh kéo dài 3 ngày, đến hết ngày 28/6, ở miền Nam nước Đức.

Vàng là mặt hàng xuất khẩu lớn thứ hai của Nga. Theo Nhà Trắng, Nga chiếm khoảng 5% tổng lượng vàng xuất khẩu trên thế giới trong năm 2020 và 90% lượng vàng xuất khẩu của Nga là xuất sang các nước G7 - chủ yếu là Anh.

Trên Twitter, Tổng thống Mỹ Joe Biden viết rằng Nga sẽ mất doanh thu hàng chục tỷ USD từ mặt hàng xuất khẩu quan trọng này.

Trong năm 2021, xuất khẩu vàng, một trong những mặt hàng xuất khẩu chính của Nga, đạt 15,5 tỷ USD. Tầm quan trọng của ngành này tăng lên từ khi Tổng thống Vladimir Putin phát động chiến dịch quân sự, trong bối cảnh giới tài phiệt Nga đổ xô mua vàng để tránh tác động của lệnh trừng phạt.

[Anh tăng thuế đối với bạch kim, palldium nhập khẩu từ Nga]

Do chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine, các nước G7 đã áp đặt các biện pháp trừng phạt cứng rắn đối với Moskva. Giới chức tin rằng London là trung tâm giao dịch vàng lớn, nên các lệnh trừng phạt sẽ tác động rất lớn đến nguồn tài chính của Nga dành cho chiến sự tại Ukraine.

Lệnh cấm được áp dụng đối với vàng mới khai thác hoặc tinh chế và sẽ được đưa ra Quốc hội Anh thảo luận trong những tuần tới. Lệnh cấm không ảnh hưởng đến vàng có xuất xứ từ Nga được nhập khẩu trước đây và không có kế hoạch mở rộng hạn chế đối với vàng được mua hợp pháp trước khi lệnh cấm được đưa ra.

Cũng tại hội nghị thượng đỉnh lần này, các nhà lãnh đạo G7 sẽ thảo luận về hàng hoạt cuộc khủng hoảng mà thế giới đang phải đối mặt, từ lạm phát tăng vọt đến khủng hoảng lương thực và thiếu hụt năng lượng.

Các nhà lãnh đạo cũng sẽ bàn về nguy cơ suy thoái đang rình rập cũng như áp lực về biến đổi khí hậu đối với nền kinh tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục