Trước những diễn biến ngày càng phức tạp của dịch Ebola, ngày 1/8, các quốc gia Tây Phi bị ảnh hưởng đã nhất trí thiết lập một vùng cách ly xuyên biên giới ở khu vực bùng phát dịch này.
Thông báo trên được đưa ra cùng ngày tại một hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp về dịch Ebola ở thủ đô Conarky của Guinea.
Bà Hadja Saran Darab, Tổng Thư ký khối Liên minh các quốc gia khu vực sông Mano - gồm Sierra Leone, Liberia và Guinea - cho biết cảnh sát và quân đội các nước này sẽ cô lập các vùng dịch, tuy nhiên người dân trong vùng sẽ được cung cấp cứu trợ đầy đủ.
Phạm vi chính xác của vùng cách ly không được đề cập, song đợt dịch này đã lan rộng gần 300km từ thành phố Kenema của Siera Leone tới thị trấn Macenta của Guinea, bao trùm hầu hết vùng rừng cực bắc Liberia.
Tại hội nghị, ba nước Tây Phi đã khởi động một chương trình hành động có kinh phí lên tới 100 triệu USD, theo đó triển khai thêm hàng trăm nhân viên y tế đối phó với dịch Ebola đồng thời tăng cường nỗ lực ngăn chặn và xác định các trường hợp nghi nhiễm virus Ebola, đẩy mạnh giám sát biên giới và hỗ trợ các trung tâm phối hợp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Guinea.
Phát biểu tại hội nghị, Giám đốc WHO Margaret Chan cho rằng ba nước Tây Phi nói trên đã phản ứng "cực kỳ không thỏa đáng," trong bối cảnh dịch bệnh "diễn biến nhanh hơn những nỗ lực kiểm soát dịch" do bùng phát ở những vùng liên tục diễn ra các hoạt động di cư, trong khi biên giới không được kiểm soát chặt chẽ.
Khác với các đợt bùng phát trước đây, trong đợt dịch này virus Ebola đã cho thấy khả năng lây qua không khí, khiến dịch lan rộng nhất kể từ khi loại virus chết người này bắt đầu xuất hiện gần 4 thập kỷ trước đây.
Bà Margaret cảnh báo nếu tình hình tiếp tục xấu đi, "hậu quả có thể rất thảm khốc," gây tổn thất lớn về sinh mạng cũng như làm trì trệ kinh tế xã hội, đồng thời nguy cơ lây lan sang các nước khác là rất cao.
Cũng trong ngày 1/8, Chính phủ Kenya đã bác bỏ thông tin có hành khách nhiễm virus Ebola trên chuyến bay của hãng hàng không nước này, cất cánh từ thủ đô Monrovia của Liberia.
Nhà chức trách Kenya đã yêu cầu cách ly máy bay ngay khi hạ cánh và kiểm tra y tế đối với toàn bộ hành khách, qua đó không phát hiện dấu hiệu của virus Ebola.
Cùng ngày, các quan chức Mỹ cho biết hai công dân nước này ở Tây Phi bị nhiễm virus Ebola sẽ được đưa về Mỹ để điều trị cách ly nghiêm ngặt. Hiện tại, cả hai bệnh nhân đều trong tình trạng nguy kịch nhưng ổn định.
Kể từ khi dịch Ebola bùng phát hồi đầu tháng Ba năm nay, số trường hợp tử vong đã lên tới 729 người trong tổng số 1.300 người nhiễm bệnh.
Virus Ebola lần đầu tiên xuất hiện vào năm 1976, gây sốt xuất huyết ở bệnh nhân với tỷ lệ tử vong cao. Người bệnh có các triệu chứng như sốt, đau mỏi cơ, nôn mửa, tiêu chảy, xuất huyết không ngừng, và có thể tử vong chỉ vài ngày sau khi nhiễm virus.
Cho đến nay y học vẫn chưa tìm ra loại thuốc đặc trị hay vắcxin phòng ngừa virus Ebola./.