Các nước Tây Balkan quyết giảm dòng người di cư đổ vào khu vực

Các nước Tây Balkan đã thống nhất về việc bổ sung lực lượng cảnh sát tới các khu vực biên giới và đạt đồng thuận về việc áp đặt các tiêu chí trong việc từ chối hoặc đăng ký tiếp nhận người nhập cư.
Người di cư và tị nạn tại biên giới Slovenia-Áo ngày 31/10/2015. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Tại hội nghị của các nước Tây Balkan về vấn đề di cư tổ chức ngày 24/2 tại Vienna (Áo), các nước tham dự hội nghị (Áo, Slovenia, Croatia, Albania, Bosnia-Herzegovina, Bulgaria, Serbia, Macedonia, Montenegro) đã nhất trí về việc tiếp tục giảm số người di cư và tị nạn tiếp nhận vào khu vực Balkan.

Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, kết thúc hội nghị có tên gọi "Cùng nhau quản lý vấn đề nhập cư," các nước đã thống nhất về việc bổ sung lực lượng cảnh sát tới các khu vực biên giới “điểm nóng” và đạt đồng thuận về việc áp đặt các tiêu chí trong việc từ chối hoặc đăng ký tiếp nhận người nhập cư.

Bộ trưởng Nội vụ nước chủ nhà Áo Johanna Mikl-Leitner tuyên bố các nước Tây Balkan đã buộc phải sử dụng đến các giải pháp của từng quốc gia, thay vì trông chờ vào một “giải pháp toàn châu Âu.”

Trong khi đó, trả lời phỏng vấn của truyền thông Đức, Ngoại trưởng Áo Sebastian Kurz cho biết Áo đã quá tải trong việc tiếp nhận người di cư khi nhận 90.000 người trong năm ngoái và năm nay dự kiến tiếp nhận 37.500 người.

Ông Kurz gián tiếp chỉ trích chính sách mở cửa của Thủ tướng Đức Angela Merkel, cho rằng việc một nước mở cửa biên giới sẽ không giải quyết được cuộc khủng hoảng mà chỉ làm nó trở nên nghiêm trọng hơn.

Phản ứng trước hội nghị này, một người phát ngôn của Ủy ban châu Âu (EC) cho biết cơ quan này quan ngại về việc một số nước thành viên hành động “vượt ngoài những khuôn khổ chung đã thống nhất.”

Hy Lạp cũng thể hiện thái độ giận dữ, tuyên bố đây là một hội nghị mang tính “thù địch” khi Hy Lạp là nước duy nhất ở khu vực Balkan không được mời tham dự.

Quan hệ Đức-Áo đã trở nên căng thẳng trong những ngày gần đây sau khi hồi tuần trước, Vienna áp mức trần tiếp nhận người tị nạn 80 người/ngày và có ngày chuyển tối đa tới 3.200 người tới biên giới với Đức, khiến nhiều nước EU lo ngại "hiệu ứng domino" dọc theo tuyến đường di cư qua khu vực Balkan.

Hiện, Áo muốn hợp tác với Nhóm Visegrad gồm 4 nước Hungary, Ba Lan, Slovakia và Cộng hòa Séc nhằm kiểm soát biên giới bên trong Khu vực tự do di lại Schengen./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục