Trước nguy cơ dịch Ebola ngày càng lan rộng, đe dọa nhiều nước trên thế giới, Ngoại trưởng Anh Philip Hammond đã triệu tập cuộc họp của Ủy ban Tình trạng khẩn cấp trực thuộc chính phủ nhằm tìm biện pháp ứng phó kịp thời.
Phóng viên TTXVN tại London dẫn thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao Anh ngày 8/8 cho biết sau khi nghiên cứu kỹ diễn biến tình hình ở Sierra Leon, Liberia và Guinea, Ủy ban trên quyết định Bộ Phát triển Quốc tế Anh sẽ chịu trách nhiệm chính trong việc điều phối các hoạt động nhằm hỗ trợ 3 nước châu Phi này đối phó với dịch Ebola, đồng thời tăng cường phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhằm đẩy nhanh tiến trình đào tạo nhân viên y tế và cung cấp trang thiết bị, thuốc men,...
Chính phủ Anh cũng thông báo sẽ viện trợ thêm 3 triệu bảng (hơn 5 triệu USD) nhằm giúp nâng cao hiệu quả của hệ thống y tế ở Sierra Leon và Liberia, đồng thời hỗ trợ WHO, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và Ủy ban Cứu trợ Quốc tế (IRC) ngăn chặn dịch bệnh lây lan trên diện rộng.
Tính đến nay, Anh đã đóng góp tổng cộng 5 triệu bảng (khoảng 8,5 triệu USD) cho nỗ lực dập dịch Ebola.
Theo phóng viên TTXVN tại Bỉ, ngày 8/8, Ủy ban châu Âu (EC) thông báo hỗ trợ thêm 8 triệu euro (10,6 triệu USD) cho khu vực Tây Phi thông qua 3 tổ chức là WHO, Bác sĩ không biên giới (MSF) cùng Liên đoàn Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế để hỗ trợ ngăn chặn dịch bệnh, nâng tổng số hỗ trợ của EC cho các nỗ lực này lên 11,9 triệu euro (16 triệu USD).
Dự kiến, trong vài ngày tới, Liên minh châu Âu (EU) sẽ lắp đặt một phòng xét nghiệm di động ở Sierra Leone.
Người phát ngôn Trung tâm kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh Mỹ ngày 8/8 cho biết Mỹ đang gửi thêm nhân lực và trang thiết bị đến Nigeria do lo ngại tình trạng dịch bệnh cũng như nguy cơ lây lan tại thủ đô Lagos vì quốc gia này chưa từng đối phó với dịch Ebola.
Ngày 8/8, Tổng thống Nigeria Goodluck Jonathan đã ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc sau khi có 2 người tử vong vì dịch bệnh Ebola tại quốc gia đông dân nhất châu Phi này. Hai trường hợp này là một người Liberia gốc Mỹ và một y tá người Nigieria.
Tổng thống Jonathan đã kêu gọi người dân tránh tập trung đông người để ngăn chặn sự lây lan của virus Ebola, đồng thời thông qua khoản chi khẩn cấp 1,9 tỷ naira (11,6 triệu USD) để thực hiện các biện pháp nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan, bao gồm thành lập thêm các trung tâm cách ly, kiểm tra tại các khu vực biên giới và truy tìm các mối liên hệ. Tổng thống Jonathan cũng nhấn mạnh các ca tử vong phải được thông báo đến nhà chức trách và người dân không nên loan truyền các thông tin sai lệch liên quan đến dịch bệnh Ebola.
Cùng ngày, Nigeria xác nhận thêm 2 trường hợp mới nhiễm virus Ebola, nâng tổng số ca nhiễm bệnh tại nước này lên 9 người, bao gồm 2 ca tử vong nói trên. Bộ trưởng Y tế Nigeria Onyebuchi Chukwu cho biết hiện có 139 trường hợp đang được theo dõi tại nước này do nghi ngờ nhiễm bệnh.
Tại Canada, ngày 8/8, một bệnh nhân đến từ Nigeria đã bị cách ly sau khi có các triệu chứng sốt, cúm giống như bị nhiễm Ebola. Dù chưa đưa ra chẩn đoán chính thức, song nhà chức trách Canada vẫn tiến hành cách ly nhằm phòng ngừa dịch bệnh lây lan./.