Các nước sẵn sàng duy trì chính sách tiền tệ siêu lỏng trong năm ​2021

​Diễn biến của dịch khó đoán cùng với tỷ lệ thất nghiệp và lạm phát tăng là những nguyên nhân chính khiến các ngân hàng trung ương tiếp tục duy trì các chính sách tiền tệ nới lỏng.
Các nước sẵn sàng duy trì chính sách tiền tệ siêu lỏng trong năm ​2021 ảnh 1Trụ sở Cục Dự trữ Liên bang Mỹ. (Ảnh: Barrons)

Các ngân hàng trung ương đang sẵn sàng cho việc duy trì các chính sách tiền tệ siêu nới lỏng trong năm 2021, ngay cả khi kinh tế toàn cầu được dự báo sẽ phục hồi sau cuộc suy thoái do tác động của đại dịch COVID-19.

Theo đánh giá hàng quý về chính sách tiền tệ của hãng tin Bloomberg đối với 90% các nền kinh tế trên toàn cầu, không một ngân hàng trung ương lớn nào ở các nước phương Tây dự kiến tăng lãi suất trong năm nay. Giả định là các ngân hàng trung ương lớn muốn đảm bảo đà phục hồi trước khi bắt đầu cân nhắc thắt chặt chính sách tiền tệ.

Diễn biến của dịch khó đoán cùng với tỷ lệ thất nghiệp và lạm phát tăng là những nguyên nhân chính khiến các ngân hàng trung ương chưa hành động. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bước vào năm 2021 với việc nỗ lực hết sức bằng chính sách tiền tệ để hỗ trợ sự phục hồi của nền kinh tế và không vội vàng giảm sự hỗ trợ này.

Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết, dù Mỹ đã đón nhận "ánh sáng cuối đường hầm" nhờ vắcxin ngừa COVID-19 sẽ được triển khai rộng rãi vào giữa năm, nhưng các quốc gia không nên vội vàng rút những biện pháp hỗ trợ.

Các quan chức của Fed đã nói sẽ duy trì lãi suất ở mức gần 0% cho đến ít nhất là năm 2023, đồng thời cam kết duy trì chương trình mua trái phiếu với ít nhất là 120 tỷ USD/tháng cho đến khi có tiến triển rõ ràng hơn trong việc đạt mục tiêu tối đa việc làm và lạm phát 2%.

[Kinh tế thế giới 2020: Đi qua những khoảng tối của đại dịch]

Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã tăng quy mô chương trình mua trái phiếu khẩn cấp lên 1.850 tỷ euro (2.300 tỷ USD) vào tháng 12/2020 và kéo dài qua tháng 3/2022. Việc các nhà hoạch định chính sách có giảm quy mô chương trình này hay không sẽ phụ thuộc chủ yếu vào tình hình dịch.

Dù việc tiêm chủng vắcxub bắt đầu được tiêm đã đưa đến những sự lạc quan về triển vọng kinh tế, nhưng việc số ca mắc COVID-19 tăng mạnh và các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt tại Đức, nền kinh tế lớn nhất khu vực, đang ảnh hưởng đến triển vọng ngắn hạn. Các nhà kinh tế và các nhà đầu tư cũng đang chờ đánh giá chiến lược sắp tới của ECB.

Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) được cho là sẽ giữ nguyên lãi suất trong năm nay sau khi điều chỉnh chương trình kích thích trong năm 2020. Ngân hàng này đã kêu gọi việc đánh giá khi tìm kiếm các giải pháp để giảm các tác động không mong muốn và nâng cao hiệu quả của chính sách kiếm soát đường cong lãi suất.

Yêu cầu tăng tính bền vững của chính sách trong dài hạn hơn cho thấy thời gian để đạt được mục tiêu lạm phát kéo dài khi giá giảm với tốc độ nhanh nhất trong một thập kỷ vào cuối năm 2019. Tình hình dịch vẫn là yếu tố không chắc chắn nhất. Tuy nhiên, trước việc triển khai tiêm vắcxin rộng rãi vào đầu năm cùng với kế hoạch Thế vận hội sắp tới, các nhà quan sát sẽ theo dõi chặt chẽ khả năng BoJ có thể rút các biện pháp hỗ trợ vào tháng 9/2021.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) thì đã hạ lãi suất xuống các mức thấp kỷ lục do đại dịch, với lãi suất các khoản vay kỳ hạn một năm giảm từ 3,25% xuống 2,95%. Ngân hàng này cũng đã sử dụng các công cụ định lượng như hạ lượng tiền mà các ngân hàng phải dự trữ và cấp 1.800 tỷ nhân dân tệ (278 tỷ USD) cho các ngân hàng để cho vay đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Tuy nhiên, tốc độ mở rộng bản cân đối kế toán của PBoC khiêm tốn hơn so với các ngân hàng trung ương lớn khác, chủ yếu là do ngân hàng này có thể yêu cầu các ngân hàng tăng các khoản vay và hy sinh lợi nhuận để hạ chi phí tài chính của doanh nghiệp.

Nhờ đó, tăng trưởng tín dụng tại Trung Quốc tăng mạnh, giúp nước này trở thành nền kinh tế lớn duy nhất tăng trưởng trong năm 2020. PBoC muốn đưa tăng trưởng tín dụng về mức phù hợp với tăng trưởng kinh tế trong năm 2021. Điều này có nghĩa tốc độ tăng trưởng tín dụng mới sẽ giảm so với năm 2020, có thể do việc bơm ít tiền mặt hơn vào hệ thống tài chính./.

Các nước sẵn sàng duy trì chính sách tiền tệ siêu lỏng trong năm ​2021 ảnh 2Trụ sở Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc. (Ảnh: Nikkei)
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục