Các nước phương Tây phản ứng về vụ thử tên lửa đạn đạo của Iran

Một số nước trên thế giới đã đưa ra phản ứng sau khi Iran tuyên bố phóng thử thành công một tên lửa đạn đạo mới với tầm bắn 2.000km cũng như sẽ tiếp tục phát triển kho vũ khí đạn dược.
Các nước phương Tây phản ứng về vụ thử tên lửa đạn đạo của Iran ảnh 1Tên lửa đạn đạo thế hệ mới Khoramshahr được phóng tại một địa điểm bí mật ở Iran. (Nguồn: Press TV/TTXVN)

Một số nước trên thế giới đã đưa ra phản ứng sau khi Iran ngày 23/9 tuyên bố phóng thử thành công một tên lửa đạn đạo mới với tầm bắn 2.000km cũng như sẽ tiếp tục phát triển kho vũ khí đạn dược, bất chấp sức ép từ Mỹ.

Mỹ trước đây đã áp đặt các biện pháp đơn phương trừng phạt Iran, cho rằng việc Tehran tiến hành thử tên lửa vi phạm nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc yêu cầu Iran không tiến hành các hoạt động liên quan đến tên lửa có khả năng mang vũ khí hạt nhân.

Trong nội dung đăng trên trang mạng xã hội Twitter ngày 23/9, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng vụ thử tên lửa này của Iran thể hiện nhược điểm của thỏa thuận hạt nhân lịch sử mà nước này đã ký với các cường quốc trên thế giới hồi năm 2015. Ông Trump cũng cáo buộc Iran thông đồng với Triều Tiên, cho rằng có sự liên kết giữa vụ thử tên lửa này của Iran với các động thái gần đây của Bình Nhưỡng.

Cùng ngày, Pháp đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về vụ thử tên lửa đạn đạo này của Teheran, đồng thời kêu gọi Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres thực hiện một bản báo cáo đầy đủ về vụ phóng tên lửa này.

Trong một tuyên bố, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Pháp Agnes Romatet-Espagne nêu rõ: "Pháp đề nghị Iran ngừng mọi hoạt động gây bất ổn định tại khu vực." Bà cho biết Pháp sẽ cùng các đối tác, đặc biệt là ở châu Âu, xem xét những biện pháp đối với Iran để nước này chấm dứt "các hoạt động đạn đạo gây bất ổn."

Cũng trong một phát biểu đăng trên trang mạng Twitter, Ngoại trưởng Anh Boris Johnson đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về việc Iran tiến hành thử tên lửa vi phạm nghị quyết 2231 của Liên hợp quốc và kêu gọi Iran chấm dứt ngay các hành động này.

Theo phóng viên TTXVN tại Tel Aviv, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Avigdor Lieberman cáo buộc vụ thử tên lửa tầm trung của Iran là “hành động khiêu khích” Mỹ và đồng minh, trong đó có Israel.


[Israel cáo buộc vụ thử tên lửa của Iran là “hành động khiêu khích”]

Vụ thử tên lửa trên diễn ra vào thời điểm Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 72 kéo dài một tuần tại New York (Mỹ) tiến hành phiên họp cấp cao. Tại phiên họp này, Mỹ và Israel cáo buộc Iran gây bất ổn Trung Đông và hỗ trợ khủng bố.

Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ trích việc Iran duy trì chương trình tên lửa vi phạm tinh thần của thỏa thuận hạt nhân đạt được hồi năm 2015 giữa Iran và Nhóm P5+1 (bao gồm Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc, Mỹ và Đức), và cho rằng các tên lửa của Iran có lẽ được dùng để mang đầu đạn hạt nhân.

Trong khi đó, giới chức Iran đã mạnh mẽ bác bỏ các cáo buộc trên của Mỹ và Israel, khẳng định rằng việc Iran phát triển tên lửa đạn đạo không vi phạm nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc do các tên lửa được thiết kế không mang theo đầu đạn hạt nhân. Bộ trưởng Quốc phòng Iran Amir Hatami nhấn mạnh "chừng nào vẫn còn những lời de dọa, thì Iran sẽ vẫn tiếp tục củng cố năng lực quốc phòng," và việc các nước phương Tây gây sức ép sẽ không ảnh hưởng đến chương trình tên lửa của Iran.

Trước đó, truyền hình nhà nước Iran đưa tin tối 22/9, nước này đã phóng thành công tên lửa đạn đạo tầm trung thế hệ mới có tên gọi Khorramshahr, chỉ vài giờ sau khi Iran giới thiệu tên lửa trong một lễ diễu binh ở thủ đô Tehran.

Theo Chuẩn tướng Amir Ali Hajizadeh, chỉ huy cấp cao của Sư đoàn Hàng không thuộc Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), tên lửa đạn đạo này có thể mang nhiều đầu đạn, với tổng trọng lượng lên tới 1.800kg. So với những thế hệ tên lửa trước của nước này, tên lửa nhỏ gọn hơn, chiến thuật hơn và sẽ sẵn sàng được sử dụng trong tương lai gần. Theo truyền hình nhà nước Iran, đây là loại tên lửa mạnh nhất của Iran dành cho quốc phòng.

Các vụ phóng thử tên lửa trước đó của Iran đều vấp phải các biện pháp trừng phạt của Mỹ với cáo buộc các hành động này vi phạm tinh thần của thỏa thuận hạt nhân lịch sử hồi năm 2015. Tổng thống Trump tuyên bố có thể tìm cách đàm phán lại hoặc thậm chí hủy bỏ thỏa thuận trên.

Dự kiến, ngày 15/10 tới, ông Trump sẽ báo cáo Quốc hội Mỹ về việc Iran có tuân thủ thỏa thuận hạt nhân hay không cũng như xác định thỏa thuận này có phù hợp với lợi ích an ninh của Mỹ nữa hay không. Nếu Tổng thống Trump quyết định là không phù hợp, Washington có thể sẽ áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt đối với Tehran và thỏa thuận hạt nhân lịch sử có thể bị hủy bỏ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục