Ngày 7/12, Chủ tịch Nhóm G77 (gồm 134 quốc gia đang phát triển và mới nổi), bà Nozipho Mxakato-Diseko cùng với Trung Quốc kêu gọi các nước phát triển có sự hỗ trợ cần thiết cho các nước đang phát triển để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.
Trong phát biểu tái khẳng định cam kết của G77 và Trung Quốc để giải quyết các thách thức toàn cầu về biến đổi khí hậu, bà Mxakato-Diseko nhắc lại lời kêu gọi các nước phát triển cung cấp các hỗ trợ cần thiết để giúp các thành viên của nhóm thực hiện nghĩa vụ và trách nhiệm trong nỗ lực toàn cầu chống biến đổi khí hậu.
Bà nhấn mạnh thực tế rằng các nước đang phát triển, nơi mà phần lớn bộ phận còn nghèo đói của thế giới đang sinh sống, đã có các "bước đi tham vọng" để đối phó biến đổi khí hậu, song phần lớn "không có đủ trợ giúp tài chính, công nghệ và năng lực."
Là những nước dễ bị tổn thương nhất do tình trạng biến đổi khí hậu, hầu hết các nước đang phát triển đã đệ trình Kế hoạch đóng góp quốc gia cho thỏa thuận khí hậu toàn cầu mới (INDC) cho giai đoạn sau năm 2020.
Bà Mxakato-Diseko nhấn mạnh các nước đang phát triển đang phải gánh chịu hậu quả từ hành động của các nước phát triển trong khi không có bất kỳ bảo đảm cụ thể nào từ các đối tác về các hỗ trợ sau năm 2020.
Chủ tọa của Nhóm G77 và Trung Quốc kêu gọi các nước phát triển đi đầu trong việc thực hiện cam kết cắt giảm khí thải và cung cấp hỗ trợ tài chính, phát triển và chuyển giao công nghệ và nâng cao năng lực, khẳng định đây phải là những nội dung quan trọng và then chốt trong kết quả của Hội nghị COP21 tại Paris.
Các thỏa thuận tài chính phải rõ ràng về mức hỗ trợ mà các nước phát triển cung cấp cho các nước đang phát triển để dễ dàng triển khai sau năm 2020.
Bà Mxakato-Diseko cho biết chiếm khoảng 85% dân số thế giới, G77 và Trung Quốc cam kết giải quyết vấn đề khí hậu theo cách "linh hoạt cho phép các nước đang phát triển theo đuổi các ưu tiên phát triển bền vững."
Bà nhấn mạnh thỏa thuận Paris phải dựa trên nguyên tắc công bằng và trách nhiệm chung nhưng linh hoạt về phần gánh vác dựa trên năng lực từng nước.
Cũng tại hội nghị COP21, Bộ trưởng Môi trường và Biến đổi Khí hậu Canada Catherine McKenna ngày 7/12 thông báo Canada sẽ đóng góp 50 triệu đôla Canada (CAD) cho Sáng kiến Bảo hiểm Rủi ro Khí hậu của nhóm G-7 nhằm giúp các nước đang phát triển ứng phó với biến đổi khí hậu.
Theo phóng viên TTXVN tại Canada, số tiền trên sẽ giúp những nước dễ bị ảnh hưởng giảm nhẹ những tác động đối với nền kinh tế do những hiện tượng thời tiết cực đoan như lụt lội, hạn hán và bão lớn gây ra.
Khoản tiền trên là một phần trong gói 2,65 tỷ CAD mà Chính phủ Canada đã cam kết cung cấp trong 5 năm tới để hỗ trợ các quốc gia đang phát triển chuyển đổi sang nền kinh tế ít khí thải carbon và ứng phó tốt hơn với biến đổi khí hậu. Đây là khoản đóng góp tài chính dành cho nỗ lực chống biến đổi khí hậu lớn nhất của Canada từ trước tới nay./.