Ô nhiễm không khí - "Sát thủ thầm lặng" chốn đô thị (Bài 2)

Các nước nỗ lực "giành lại bầu trời xanh" như thế nào?

Các nước châu Á đang thắt chặt các tiêu chuẩn phát thải đối với phương tiện giao thông, phát triển hệ thống tàu điện ngầm và khuyến khích sử dụng các loại phương tiện thân thiện với môi trường.
Người dân đeo khẩu trang tránh khói bụi trên một tuyến đường ở Jakarta, Indonesia. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Xác định được nguồn phát thải chính gây ô nhiễm không khí, chính phủ các nước và chính quyền địa phương đã xây dựng chương trình giảm thiểu ô nhiễm phù hợp với tình hình thực tế; thắt chặt các tiêu chuẩn phát thải đối với phương tiện giao thông, phát triển hệ thống tàu điện ngầm và khuyến khích sử dụng các loại phương tiện thân thiện với môi trường.

Từ năm 2019, Chính phủ Ấn Độ đã khởi xướng Chương trình Không khí sạch quốc gia (NCAP) nhằm giảm mức ô nhiễm bụi mịn từ 20% đến 30% vào năm 2024.

Chương trình này đã được cải tiến năm 2022, với mục tiêu giảm mức độ ô nhiễm bụi mịn xuống 40% vào năm 2026 trên phạm vi 131 thành phố, trong đó có ít nhất 38 thành phố thuộc vùng đồng bằng phía Bắc bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Tiếp nối chương trình “Đẩy mạnh sản xuất và tiêu thụ xe điện và xe hybrid” (FAME I) năm 2015 nhằm cung cấp ưu đãi tài chính dành cho người mua xe điện 2 bánh, 3 bánh và 4 bánh, năm 2020, Ấn Độ tiếp tục phê duyệt chương trình FAME II giai đoạn 2020-2023 với trọng tâm là tài trợ tối đa tới 30.000 rupee (tương đương 8,7 triệu đồng) cho người mua xe máy điện và tối đa 150.000 rupee cho người mua ôtô điện hoặc xe hybrid tùy theo dung tích pin.

Năm 2001, chính quyền vùng thủ đô Delhi đã áp dụng chính sách chuyển phương tiện sử dụng động cơ nhiên liệu hóa thạch sang động cơ khí nén tự nhiên (CNG).

Chính sách này đã giúp giảm đáng kể lượng khí thải từ phương tiện giao thông và cải thiện chất lượng không khí trong thành phố.

Vào những thời điểm ô nhiễm nghiêm trọng, chính quyền cũng cấm các phương tiện chạy bằng xăng, dầu diesel, áp dụng quy định phương tiện lưu thông "chẵn-lẻ," sử dụng ôtô phun sương, phun nước, súng chống khói bụi, khuyến khích sử dụng phương tiện giao thông công cộng, xe đạp và đi bộ...

Thủ đô Ấn Độ tăng phí đỗ xe để kiểm soát tình trạng ô nhiễm không khí. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc, từng là một trong những đô thị ô nhiễm nhất thế giới khi nồng độ PM2.5 năm 2013 có lúc chạm mức 900 microgram (mcg)/m3 - cao gấp 90 lần khuyến cáo của WHO, đã triển khai một chiến dịch quy mô nhằm "giành lại bầu trời xanh."

Kế hoạch Hành động Không khí sạch Bắc Kinh 2013-2017 đặt mục tiêu giảm nồng độ PM2.5 trung bình hằng năm xuống khoảng 60 mcg/m3 vào năm 2017.

Kết quả, năm 2021, Bắc Kinh ghi nhận chất lượng không khí theo tháng tốt nhất từ khi bắt đầu theo dõi số liệu năm 2013.

Mặc dù vậy, báo cáo của Viện Chính sách năng lượng (EPIC) thuộc Đại học Chicago (Mỹ) đánh giá mức độ ô nhiễm không khí bụi mịn ở Bắc Kinh vẫn cao hơn 40% so với địa phương ô nhiễm nhất nước Mỹ.

Trung Quốc coi việc xây dựng hệ thống giao thông bền vững, trong đó chú trọng phát triển đường sắt đô thị, là một trong những giải pháp quan trọng nhằm cải thiện chất lượng không khí, chuyển từ một đô thị lấy ô tô làm trọng tâm phát triển thành một nơi đi đầu về các phương tiện di chuyển bền vững.

Chính phủ cũng đặt mục tiêu thúc đẩy gia tăng vận tải hàng hóa bằng đường sắt và đường thủy lần lượt khoảng 10% và 12% vào năm 2025 so với năm 2020.

Ngoài đường sắt đô thị, Bắc Kinh là một trong nhiều địa phương tại Trung Quốc tận dụng triệt để phương pháp điện hóa các phương tiện giao thông nhằm giảm thiểu ô nhiễm không khí.

Từ năm 2019, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã trở thành nước dẫn đầu về phương tiện vận chuyển bằng điện, sở hữu 99% trong số 385.000 xe buýt điện trên toàn thế giới, dự kiến có thể tăng lên 600.000 chiếc vào năm 2025.

Chính quyền Bắc Kinh cũng giới thiệu các chương trình dùng chung xe đạp nhằm khuyến khích người dân địa phương tích cực sử dụng loại xe thân thiện với môi trường này.

Một ưu tiên không kém phần quan trọng của Bắc Kinh là phát triển cơ sở hạ tầng giao thông công cộng đáp ứng nhu cầu bảo vệ môi trường, giảm phát triển đường cao tốc, khôi phục các thiết kế đô thị truyền thống như các tuyến phố đi bộ.

Thành phố Bắc Kinh cũng đẩy mạnh trồng cây giúp giảm lượng khí CO2 trong không khí và ngăn ngừa bão cát.

Chính phủ Thái Lan triển khai giảm giá lên tới 55% cho những người muốn thay dầu động cơ và bộ lọc dầu. Các cơ quan và công ty nhà nước được khuyến khích cho phép nhân viên làm việc tại nhà để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm không khí trên toàn thủ đô.

Tháng Hai năm nay, Hải quân Hoàng gia Thái Lan đã lắp đặt 13 máy lọc không khí PM2.5 tại khu vực thủ đô Bangkok có mức độ ô nhiễm cao để đưa nồng độ bụi mịn trong không khí về ngưỡng an toàn. Mỗi máy có thể lọc được 5m3 không khí mỗi giây.

Để tìm giải pháp cho vấn đề cháy rừng và khói bụi xuyên biên giới, Chính phủ Thái Lan cũng có nhiều cuộc trao đổi, thảo luận với lãnh đạo các nước láng giềng, thậm chí dùng cả biện pháp mạnh như cảnh báo sẽ ngừng nhập khẩu ngô từ một số nước láng giềng nếu tình trạng bụi mịn PM2.5 không giảm bớt.

Tháng Ba vừa qua, giới chức Lào và Thái Lan đã tổ chức tham vấn, nhất trí cùng nhau hợp tác, phổ biến kiến thức và tuyên truyền giúp người dân nhận thức rõ những tác hại do ô nhiễm không khí đối với sức khỏe; khuyến khích người dân chấm dứt tình trạng đốt rừng làm nương rẫy; đồng thời phối hợp tổ chức tập huấn cho lực lượng chức năng cách thức phòng ngừa, tổ chức tuần tra chung, theo dõi, ngăn chặn và ứng phó kịp thời với cháy rừng diễn ra trên diện rộng; cam kết hợp tác tìm kiếm giải pháp để ô nhiễm không khí dọc tuyến biên giới hai nước xuống mức thấp nhất.

Chính quyền các địa phương Thái Lan thường xuyên có mức độ bụi mịn cao cũng đã thực hiện một số giải pháp như hỗ trợ giải quyết sinh kế cho những người phải vào rừng tìm thức ăn, hỗ trợ nông dân thay đổi tập quán đốt rác nông nghiệp.

Trong khi đó, đội ngũ các nhà khoa học Thái Lan cũng bắt tay vào nghiên cứu các giải pháp để giảm rác thải thực phẩm, rác thải nông nghiệp.

Một nhóm các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Công nghệ King Mongkut Thonburi (KMUTT) đã sáng chế ra kỹ thuật biến 2 loại chất thải thực phẩm (bánh mì cũ và vỏ rau, củ quả) thành nhiên liệu có thể so sánh với than chất lượng thấp.

Họ đang nghiên cứu cách biến các loại chất thải thực phẩm khác thành than sinh học và sẽ thử áp dụng kỹ thuật này với chất thải tại các nhà máy sản xuất đường từ mía và tại các nhà máy thức ăn chăn nuôi.

Rất nhiều giải pháp đã được triển khai, nhưng cho tới nay, cuộc chiến chống “sát thủ thầm lặng” vẫn còn rất khó khăn. Tại nhiều nơi, vấn đề ô nhiễm chưa được người dân thực sự quan tâm.

Trong các khảo sát gần đây, chưa tới 20% dân số Ấn Độ đánh giá ô nhiễm không khí là ưu tiên hàng đầu cần giải quyết.

Những tiến bộ đạt được ở Trung Quốc cho thấy nếu chính quyền và người dân đồng lòng sẽ đạt được thay đổi đáng kể. Khi tình trạng ô nhiễm đô thị vẫn tiếp tục trầm trọng, rõ ràng chính phủ các nước cần tính đến những phương án đồng bộ, tổng thể và quyết liệt hơn. Dù những mục tiêu phát triển kinh tế là quan trọng, song không thể đánh đổi bằng sức khỏe của người dân./.

Bài 1: Cuộc chiến cam go với ô nhiễm không khí ở châu Á

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục