Các quốc gia giàu có nhất trên thế giới phải tăng cường nỗ lực để giúp nhóm nghèo nhất thế giới chống chọi với tác động kép của đại dịch COVID-19 gồm khủng hoảng y tế và khủng hoảng kinh tế. Đây là lời kêu gọi mới được Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva đưa ra ngày 7/7.
Cảnh báo về sự chênh lệch ngày càng sâu cắc giữa các nước giàu và nghèo, bà Kristalina Georgieva đã kêu gọi Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) thực hiện các biện pháp khẩn cấp giúp các nước đang phát triển theo kịp trong triển khai tiêm phòng vaccine COVID-19 và hỗ trợ vốn để khôi phục kinh tế.
Cụ thể, trong bài đăng trước thềm cuộc họp của các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc ngân hàng G20 dự kiến diễn ra trong tuần này, nữ lãnh đạo IMF cho rằng tốc độ là yếu tố tiên quyết nhưng hiện nay số vốn ước tính cần bỏ ra hiện vẫn còn khá nhỏ.
Bà cho rằng các quốc gia nghèo hơn đang chịu tác động kép khi vừa đứng trước nguy cơ không thể khống chế được dịch bệnh và vừa mất đi những nguồn đầu tư quan trọng giúp củng cố nền móng để phát triển kinh tế. Vì vậy, đây là thời khắc quan trọng mà G20 và các nhà hoạch định chính sách trên toàn cầu cần hành động khẩn cấp.
Trong khi Mỹ được dự báo sẽ tăng trưởng với tốc độ nhanh nhất kể từ năm 1984 và các quốc gia như Trung Quốc và khu vực châu Âu đang dần lấy lại đà tăng trưởng thì các quốc gia đang phát triển lại bị tụt lại phía sau do quá trình phục hồi bị cản trở và chậm lại chủ yếu vì những khác biệt rõ rệt trong khả năng tiếp cận vaccine, về tỷ lệ nhiễm bệnh và khẳng năng cung cấp hỗ trợ chính sách.
[IMF đang xây dựng một cơ chế mới để chia sẻ SDR cho nhiều nước hơn]
Tổng giám đốc IMF hối thúc các nước G20 hành động nhiều hơn để giúp tăng nguồn cung vaccine cho các nước nghèo, thông qua các biện pháp như chia sẻ vacccine, xóa nợ và cùng bảo trợ để thế giới đạt mục tiêu mỗi quốc gia hoàn thành tiêm phòng cho tối thiểu 40% dân số vào cuối năm 2021 và 60% dân số trong nửa đầu năm 2022.
Bà Kristalina Georgieva chỉ ra tại các quốc gia châu Phi ở Nam sa mạc Sahara, tỷ lệ tiêm chủng là chưa đến 1% trong khi tại các nền kinh tế phát triển tỷ lệ này là 30%. Vì vậy, các quốc gia nghèo đang đứng trước nguy cơ cao hơn phải đương đầu với những biến thể mới của virus mà không được bảo vệ.
IMF ước tính các quốc gia thu nhập thấp cần giải ngân khoảng 200 tỷ USD trong vòng 5 năm chỉ dành riêng cho việc ứng phó với đại dịch và thêm 250 tỷ USD để cải cách kinh tế để có thể bắt kịp các nước giàu. Tuy nhiên, bà Georgieva cho rằng các quốc gia này sẽ không thể tự chi trả số tiền trên và các nước giàu cần phải tăng gấp đôi nỗ lực để hỗ trợ, đặc biệt là trong các khía cạnh tài chính và giãn nợ.
IMF cũng đã đưa ra đề xuất về một cơ chế hỗ trợ mở rộng cơ hội tiếp cận vaccine cho các nước, có tổng giá trị 50 tỷ USD, kết hợp với các tổ chức như Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Ngân hàng thế giới (WB) và Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Bà Georgieva tin rằng vaccine phòng COVID-19 chính là "nhân tố thay đổi cuộc chơi" trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19, giúp cứu hàng trăm nghìn mạng sống và thúc đẩy hồi phục kinh tế- xã hội. Theo bà, ở những khu vực mà số ca mắc mới vẫn tiếp tục tăng, điều tối quan trọng là cần duy trì các biện pháp hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp và các hộ gia đình.
Tuy nhiên, khi dịch bệnh được kiểm soát, các nguồn vốn cần được chuyển đổi sang cho các chương trình như đào tạo người lao động, góp phần khắc phục những hậu quả của cuộc khủng hoảng kinh tế do đại dịch.
IMF cũng đang theo dõi chặt chẽ tình hình lạm phát, đặc biệt là ở Mỹ. Tuy nhiên, khi giai đoạn phục hồi bắt đầu vào guồng thì tình trạng lạm phát cũng có thể xảy ra trong ngắn hạn và khi đó cần phải tránh những phản ứng thái quá./.