Các nước Nam Mỹ hoan nghênh ngân hàng mới của BRICS

Trước việc nhóm BRICS thành lập ngân hàng và quỹ dự trữ chung, lãnh đạo nhiều nước Nam Mỹ đã lên tiếng ủng hộ quyết định trên.
Các nước Nam Mỹ hoan nghênh ngân hàng mới của BRICS ảnh 1Lãnh đạo các nước BRICS bắt tay thể hiện sự thống nhất trong buổi lễ công bố quyết định lập ngân hàng chung. (Nguồn: AP)

Các nước Nam Mỹ đã lên tiếng hoan nghênh việc Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS, gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) thành lập một ngân hàng và quỹ dự trữ chung theo mô hình của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB), với mục đích giải quyết nhu cầu vốn cho các nước thành viên cũng như các nước mới nổi và đang phát triển khác.

Phát biểu ngày 16/7 tại cuộc gặp giữa các nhà lãnh đạo các nước thuộc nhóm BRICS và các nước Nam Mỹ bên lề Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 6 diễn ra tại thành phố Fortaleza, Brazil, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro nhấn mạnh sự ra đời của Ngân hàng Phát triển mới (NDB) và quỹ dự trữ chung là một "tin tốt lành" đối với toàn bộ khu vực Nam Mỹ.

Ông Maduro cũng đề xuất thành lập một liên minh giữa NDB và Ngân hàng miền Nam (một tổ chức tài chính do các nước Nam Mỹ thành lập năm 2009) nhằm xây dựng một hệ thống tài chính mới với nguồn vốn không mang tính chất đầu cơ vốn khiến nền kinh tế các nước suy yếu.

Cùng chung quan điểm trên, Tổng thống Bolivia Evo Morales nhấn mạnh thế giới cần một "tổ chức tài chính mới", đồng thời bày tỏ niềm tin NDB sẽ mang lại những chính sách công bằng và minh bạch, thay vì những chính sách mang tính "chủ nghĩa thực dân kiểu mới."

Theo ông, NDB sẽ giúp các nước Mỹ Latinh thoát khỏi tình trạng đầu cơ tài chính và hăm dọa kinh tế.

Về phần mình, Tổng thống nước chủ nhà Dilma Rousseff khẳng định sự ra đời của NDB không nhằm mục đích phản đối những chính sách của IMF. Theo bà, việc thành lập NDB đóng vai trò "hết sức quan trọng" đối với các nước thành viên thuộc BRICS bởi định chế mới này sẽ giúp thay đổi đáng kể các điều kiện tài chính của mỗi nước cũng như tạo thuận lợi cho các nước tiếp cận các nguồn vốn cần thiết. Nhà lãnh đạo Brazil đồng thời nhấn mạnh các nước thành viên sẽ nỗ lực đưa NDB trở thành một định chế "tiêu biểu và dân chủ hơn."

Tại cuộc họp, lãnh đạo các nước cũng bày tỏ ủng hộ Argentina trong cuộc chiến nợ với các quỹ đầu tư Mỹ, khiến nước này đang đối mặt nguy cơ vỡ nợ cận kề.

Theo phán quyết trung tuần tháng Sáu vừa qua của tòa án Mỹ, ngày 30/7 tới là thời hạn chót Argentina buộc phải trả tiền trái phiếu và tiền lãi, tổng cộng 1,3 tỷ USD, cho hai quỹ đầu tư của Mỹ là NML Capital và Aurelius Management, là những quỹ đã từ chối tham gia chương trình tái cơ cấu nợ 2005-2010 của Buenos Aires.

Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos cho rằng quyết định của Tòa án Mỹ trong trường hợp của Argentina là hành động "phi lý" đồng thời khẳng định các quốc gia tham dự cuộc họp đều ủng hộ Buenos Aires cũng như hối thúc một giải pháp hợp lý giải quyết vấn đề này.

Trong khi đó, Tổng thống Brazil Rousseff cũng để ngỏ khả năng sử dụng các thể chế tài chính mới của BRICS để hỗ trợ phần nào gánh nặng nợ nần của Argentina nếu nước này yêu cầu.

Trước đó một ngày, các nước BRICS đã ký thỏa thuận thành lập ngân hàng chung với số vốn lên đến 50 tỷ USD nhằm huy động nguồn lực cho các dự án hạ tầng và phát triển tại các nước thành viên cũng như các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển khác.

Giới phân tích phân tích đánh giá NDB là “IMF của các nước mới nổi,” và là đối trọng của các định chế tài chính do phương Tây hậu thuẫn, như IMF và WB. Dự kiến ngân hàng tương lại sẽ đặt trụ sở tại Thượng Hải (Trung Quốc). Theo luật định, thỏa thuận thành lập NDB có hiệu lực sau khi được quốc hội các nước thành viên phê chuẩn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục