Các nước Nam bán cầu cần 1.000 tỷ USD/năm để thích ứng với Biến đổi Khí hậu

Chuyên gia cho biết khi tác động của Biến đổi Khí hậu gia tăng, nhu cầu hỗ trợ tài chính đầy đủ, đáng tin cậy và dễ tiếp cận cũng càng tăng và đây là cách duy nhất để giảm lượng khí thải CO2.

Khói thải từ một cơ sở lọc dầu thô gần thị trấn Fort McMurray ở tỉnh Alberta, Canada. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Khói thải từ một cơ sở lọc dầu thô gần thị trấn Fort McMurray ở tỉnh Alberta, Canada. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Từ ngày 3/6, cuộc họp chuẩn bị cho Hội nghị lần thứ 29 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi Khí hậu (COP29) bắt đầu diễn ra tại thành phố Bonn, miền Tây nước Đức.

Trong hai tuần, gần 6.000 đại biểu từ hầu hết các quốc gia trên thế giới sẽ tiến hành các cuộc đàm phán quan trọng nhằm mang lại thành công tốt đẹp cho Hội nghị COP29 tại Baku (Azerbaijan) vào cuối năm nay.

Một trong những vấn đề chính trong cuộc họp chuẩn bị cho Hội nghị COP29 lần này là tài chính khí hậu. Từ năm 2009, các nước công nghiệp đã cam kết hỗ trợ 100 tỷ USD mỗi năm cho các nước nghèo. Cam kết này đã được xác nhận trong Thỏa thuận Paris về Biến đổi Khí hậu năm 2015, kéo dài đến năm 2025.

Theo báo cáo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), mục tiêu này có thể đã hoàn thành vào năm 2022, chậm 2 năm so với kế hoạch ban đầu. Câu hỏi đặt ra là sau năm 2025, điều này sẽ được thực hiện như thế nào.

Cũng theo OECD, số tiền 100 tỷ USD mỗi năm mới chỉ là một phần rất nhỏ, thấp hơn nhiều so với yêu cầu thực tế. OECD ước tính các quốc gia Nam bán cầu cần ít nhất 1.000 tỷ USD mỗi năm để thúc đẩy bảo vệ và thích ứng với Biến đổi Khí hậu.

Tại Hội nghị COP28, thế giới đã nhất trí dần khép lại kỷ nguyên nhiên liệu hóa thạch đồng thời đặt mục tiêu tăng gấp 3 lần công suất năng lượng tái tạo vào năm 2030 trên toàn thế giới. Mục tiêu này cần các khoản đầu tư rất lớn.

Tuy nhiên, khi tình trạng Biến đổi Khí hậu ngày càng nghiêm trọng, thế giới không chỉ cần các khoản đầu tư để giảm lượng khí thải nhà kính. Hậu quả của hạn hán, lũ lụt, bão gió và nước biển dâng cũng ngày càng tăng, cần được giải quyết.

Ông Evans Njewa, Trưởng đoàn đàm phán về tài chính khí hậu cho 48 quốc gia kém phát triển nhất theo Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi Khí hậu (UNFCCC), cho biết khi tác động của Biến đổi Khí hậu gia tăng hằng năm, nhu cầu hỗ trợ tài chính đầy đủ, đáng tin cậy và dễ tiếp cận cũng ngày càng tăng. Đây là cách duy nhất để giảm lượng khí thải CO2, thích ứng với Biến đổi Khí hậu và bù đắp những mất mát, thiệt hại do Biến đổi Khí hậu gây ra.

Theo chuyên gia tài chính khí hậu Bertha Argueta từ tổ chức Germanwatch, các cuộc đàm phán tại Bonn đặc biệt quan trọng trong năm nay. Thời gian là điều cốt yếu, các quốc gia không thể bỏ qua tất cả các câu hỏi mở cho Hội nghị COP29 tới đây. Tại cuộc họp chuẩn bị lần này, các quốc gia phải thu hẹp khoảng cách và xác định các mục tiêu chung khả thi./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục