Các nước mới chỉ cam kết giảm chưa tới 1% lượng khí thải vào năm 2030

Các nhà khoa học cho rằng thế giới cần giảm khoảng 45% lượng khí thải vào năm 2030 mới có thể giới hạn mức tăng nhiệt trung bình trên toàn cầu ở mức 1,5 độ C - mục tiêu của Hiệp định Paris.
Các nước mới chỉ cam kết giảm chưa tới 1% lượng khí thải vào năm 2030 ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo một báo cáo do Liên hợp quốc công bố ngày 26/2, những cam kết về giảm lượng khí thải mà một số nước đưa ra đến nay trong khuôn khổ Hiệp định Paris năm 2015 về biến đổi khí hậu sẽ chỉ giúp giảm chưa tới 1% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030, một phần rất nhỏ trong số 45% lượng khí thải cần phải cắt giảm để tránh xảy ra thảm họa do biến đổi khí hậu gây ra. 

Số liệu trên cho thấy những thách thức mà các nhà đàm phán phải đối mặt khi họ nỗ lực đạt được các cam kết tham vọng hơn từ các nước phát thải lớn trước khi Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 26 của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) diễn ra tại thành phố Glasgow thuộc Scotland (Vương quốc Anh) vào tháng 11 tới. Đây được đánh giá là hội nghị quan trọng nhất về biến đổi khí hậu kể từ khi Hiệp định Paris được ký kết năm 2015.

Báo cáo của Liên hợp quốc cho biết cuối năm ngoái, 75 nước trên thế giới, trong đó có các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU), Anh, Nhật Bản, Mexico, Brazil và Australia... với tổng lượng khí phát thải chiếm khoảng 30% lượng khí thải trên toàn thế giới, đã trình lên Liên hợp quốc kế hoạch sửa đổi về giảm khí thải.

[Tăng tốc hành động để thích ứng với biến đổi khí hậu]

Mặc dù vậy, nếu được thực thi thì những cam kết này chỉ giảm chưa tới 1% lượng khí thải toàn cầu vào cuối thập kỷ này so với mức của năm 2010. Trong khi đó, các nhà khoa học cho rằng thế giới cần giảm khoảng 45% lượng khí thải vào năm 2030 mới có thể giới hạn mức tăng nhiệt trung bình trên toàn cầu ở mức 1,5 độ C, một mục tiêu đầy tham vọng được đề ra trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. 

Tuy nhiên, các quốc gia phát thải lớn trên thế giới như Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ vẫn chưa công bố những điều chỉnh cam kết đối với mục tiêu giảm khí thải trước hội nghị này, để ngỏ khả năng rằng những cam kết mạnh mẽ từ những nước này và những nước khác có thể cải thiện triển vọng giảm khí thải trên toàn cầu.

Thư ký điều hành của Công ước khung Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (UNFCCC) Patricia Espinosa kêu gọi các nước cần những bước đi quyết liệt nhằm thúc đẩy những hành động vì khí hậu trong bối cảnh gần đây có sự thay đổi chính trị trong động lực hướng tới hành động bảo vệ khí hậu mạnh mẽ hơn trên toàn thế giới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục