Các nước Mekong-Lan Thương tăng cường hợp tác vì phát triển bền vững

Theo thỏa thuận, trong 5 năm tới, hai bên sẽ phối hợp làm việc thông qua các hoạt động phát triển và quản lý tài nguyên nước và các tài nguyên liên quan.
Các nước Mekong-Lan Thương tăng cường hợp tác vì phát triển bền vững ảnh 1Sông Mekong tại khu vực Tam giác vàng Thái Lan, Lào, Myanmar. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Theo phóng viên TTXVN tại Lào, chiều 18/12, Ủy hội sông Mekong (MRC) ra thông cáo báo chí cho biết Ban Thư ký MRC và Trung tâm Hợp tác Tài nguyên nước Mekong-Lan Thương đã ký Thỏa thuận hợp tác nhằm tăng tính hiệu quả cho một số lĩnh vực hợp tác chính giữa hai bên liên quan đến khu vực sông Mekong.

Thông cáo nêu rõ tại Hội nghị Bộ trưởng Hợp tác Tài nguyên nước Mekong-Lan Thương diễn ra ở Bắc Kinh ngày 17/12, Giám đốc Điều hành Ban Thư ký MRC, Tiến sỹ An Pich Hatda và Tổng Thư ký Trung tâm Hợp tác Tài nguyên nước Mekong-Lan Thương, Tiến sỹ Zhong Yong đã ký Thỏa thuận hợp tác nói trên với sự tham dự của bộ trưởng môi trường và tài nguyên nước đến từ 6 quốc gia Mekong-Lan Thương.

Theo thỏa thuận, trong 5 năm tới, hai bên sẽ phối hợp làm việc thông qua các hoạt động phát triển và quản lý tài nguyên nước và các tài nguyên liên quan để cùng thúc đẩy phát triển kinh tế và xã hội bền vững của các quốc gia vùng sông Mekong.

[MRC cảnh báo về hậu quả nghiêm trọng từ việc nước sông Mekong đổi màu]

Các lĩnh vực hợp tác gồm chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi dữ liệu và thông tin, giám sát lưu vực, đánh giá và nghiên cứu chung, quản lý tri thức, xây dựng và tập huấn nâng cao kỹ năng liên quan.

Phát biểu tại lễ ký, Tiến sỹ Hatda nhấn mạnh các quốc gia luôn cố gắng đảm bảo quản lý hiệu quả thượng lưu và hạ lưu sông Mekong vì sự bền vững cho tương lai, vì lợi ích chung.

Thỏa thuận hợp tác lần này thể hiện nỗ lực phối hợp chung nhằm tăng cường quan hệ hợp tác giữa Trung Quốc và các quốc gia ở hạ lưu sông Mekong.

Về phần mình, ông Zhong Yong tin rằng thỏa thuận sẽ giúp thắt chặt hơn nữa quan hệ giữa Trung tâm Hợp tác Tài nguyên nước Mekong-Lan Thương và Ban Thư ký MRC, đồng thời đẩy mạnh hợp tác, phối hợp để quản lý tài nguyên nước trong khu vực, giúp cải thiện sinh kế và thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội trong lưu vực sông Mekong-Lan Thương.

Ngay sau khi ký kết, hai bên thống nhất tiến hành nghiên cứu chung về tình hình hạn hán và lưu lượng nước thấp năm 2019 tại lưu vực sông Mekong ở cả hạ lưu và thượng lưu. Theo đó, kế hoạch sẽ bắt đầu thực hiện từ tháng 1 và dự kiến hoàn thành vào tháng 9/2020.

Mục đích của nghiên cứu là xác định nguyên nhân và tác động của hạn hán và lưu lượng dòng chảy thấp trong năm 2019.

Trên cơ sở đó sẽ đưa ra các giải pháp và hành động liên quan tới chia sẻ và nâng cao chất lượng dữ liệu, thông tin giữa các quốc gia Mekong-Lan Thương, xây dựng hình thức trao đổi thông tin rõ ràng và tăng cường điều phối vận hành các hồ chứa ở cả Trung Quốc và các quốc gia tiểu vùng sông Mekong nhằm ứng phó hiệu quả hơn với các vấn đề hiện tại và tương lai về hạn hán và lưu lượng nước.

Theo số liệu quan trắc dòng chảy mới nhất của MRC, hạn hán năm 2019 đã khiến mực nước sông Mekong xuống mức thấp kỷ lục trong 60 năm qua.

Từ tháng 6 đến nay, hầu hết các khu vực trong lưu vực đều xảy ra tình trạng lưu lượng dòng chảy thấp bất thường. Ngoài ra, mực nước xuống thấp, phù sa giảm và sự xuất hiện của tảo trên cát cũng như trên lớp đá nền ở đáy sông là những nguyên nhân khiến một số đoạn sông Mekong chuyển từ màu nâu điển hình sang màu xanh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục