Các nước mâu thuẫn về chống biến đổi khí hậu

Các nước kém phát triển ủng hộ việc Tuvalu đề nghị sửa đổi Nghị định thư Kyoto, trong khi các nước đang phát triển lớn lại phản đối.
Ngày 9/12, tại Hội nghị Liên hợp quốc về chống biến đổi khí hậu đang diễn ra ở Copenhagen, Đan Mạch, quốc đảo Tuvalu đề nghị sửa đổi Nghị định thư Kyoto.

Đồng thời Tuvalu hối thúc những nước đang phát triển có dân số đông và kinh tế phát triển nhanh, trong đó có Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil, đưa ra những cam kết mang tính ràng buộc về pháp lý để cắt giảm khí điôxít cácbon (CO2) làm Trái Đất nóng lên sau năm 2013, khi Nghị định thư Kyoto về cắt giảm khí thải hết hiệu lực.

Tuvalu đưa ra đề xuất trên, bất chấp những nỗ lực của ban tổ chức hội nghị nhằm "hạ nhiệt" bầu không khí căng thẳng trong ngày hôm trước, sau vụ rò rỉ tài liệu về định mức cắt giảm và tài trợ cắt giảm khí thải.

Liên minh các quốc đảo nhỏ (AOSIS) và các nước kém phát triển nhất, chủ yếu ở châu Phi, ủng hộ đề xuất của Tuvalu. Những quốc gia này còn bác bỏ mục tiêu của các chuyên gia Liên hợp quốc là giữ cho nhiệt độ Trái Đất không nóng thêm 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, thay vào đó, họ đề xuất mục tiêu 1,5 độ C để tạo cơ hội cho những nước này đối phó với tình trạng nước biển dâng cao.

Tuy nhiên, đề xuất của Tuvalu ngay lập tức đã vấp phải sự phản đối của các nước đang phát triển lớn hơn. Trưởng đoàn Tuvalu Taukiei Kitara cho biết Tuvalu muốn tạo đà cho một cam kết mạnh mẽ hơn tại Hội nghị Copenhagen, nhưng thừa nhận đề xuất của nước này đã tạo ra hố ngăn cách đầu tiên trong nhóm G-77 và Trung Quốc gồm 130 quốc gia đang phát triển.

Từ khi Công ước khung Liên hợp quốc ra đời năm 1992 đến nay, nhóm G-77 và Trung Quốc vẫn duy trì quan điểm chỉ những nước giàu phải chịu những ràng buộc pháp lý về cắt giảm khí thải theo tinh thần Nghị định thư Kyoto.

Liên quan tài liệu bị rò rỉ, Giám đốc điều hành Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu Yvo de Boer cho biết tài liệu này đã lạc hậu và không được coi là văn bản chuẩn bị cho Hội nghị Copenhagen thông qua.

Cũng tại ngày họp 9/12 Hội nghị Copenhagen, Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) thuộc Liên hợp quốc đã phát động chương trình "kêu gọi hành động" để giúp nông dân toàn cầu sẵn sàng đối phó với những tác động bất lợi do biến đổi khí hậu gây ra.

Giám đốc WFP Josette Sheeran khẳng định kế hoạch này của WFP không phải là "tiếng kêu tuyệt vọng", mà là "một lời kêu gọi hành động". Bà Sheeran hối thúc các nhà đàm phán tại Hội nghị Copenhagen đưa ra cam kết táo bạo và mạnh mẽ để giúp những người phải chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ biến đổi khí hậu (nông dân).

Bà nhấn mạnh thế giới có thể giảm số người bị đói bất chấp những thách thức từ biến đổi khí hậu, đồng thời khẳng định hỗ trợ người bị đói và suy dinh dưỡng vì biến đổi khí hậu sẽ là trọng tâm hoạt động của WFP trong thế kỷ 21./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục