Ngày 14/2, các nước láng giềng của Yemen đã kêu gọi Liên hợp quốc hành động mạnh tay để giải quyết tình hình an ninh đang xuống cấp tại Yemen.
Lời kêu gọi trên được đưa ra tại hội nghị của Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) diễn ra ở Riyadh (Saudi Arabia). Trong thông cáo cuối hội nghị, Ngoại trưởng sáu nước thành viên GCC kêu gọi "Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc có hành động theo điều 7 Hiến chương LHQ," điều khoản cho phép sử dụng vũ lực nếu hòa bình bị đe dọa. GCC cũng đề nghị Liên đoàn Arab (AL) và Tổ chức Hội nghị Hồi giáo (OIC) tổ chức họp khẩn về tình hình Yemen.
Thông cáo trên nêu rõ quốc tế cần có các bước đi khẩn cấp để "đảm bảo an toàn cho Tổng thống Abedrabbo Mansour Hadi và Thủ tướng Khalid Mahfoudh Bahah cùng các quan chức khác." Trên thực tế, các quan chức này đã bị quản thúc tại gia từ tháng 1/2015.
GCC cũng kêu gọi các cường quốc thế giới bác bỏ bản "tuyên bố hiến pháp" của phiến quân Houthi. Trong văn bản này, phiến quân tuyên bố giải tán Quốc hội và Chính phủ, đồng thời thành lập các Hội đồng để củng cố quyền lực của mình.
GCC bày tỏ hy vọng các nỗ lực của Liên hợp quốc tại Yemen hiện nay sẽ dẫn tới một thỏa thuận được tất cả các bên chấp thuận dựa trên "tính hợp pháp" và "nối lại tiến trình chính trị." Thông cáo của GCC cũng nêu rõ nếu tình hình tại Yemen không được cải thiện, GCC sẽ "có các biện pháp tự bảo vệ lợi ích sống còn của mình trong sự ổn định và an ninh của Yemen."
Trước đó, ngày 12/2, Liên hợp quốc cảnh báo Yemen có nguy cơ rơi vào nội chiến và kêu gọi cộng đồng quốc tế nỗ lực ngăn ngừa tình trạng vô chính phủ ở nước này.
Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon nhấn mạnh Yemen "đang sụp đổ" và Hội đồng Bảo an không thể khoanh tay đứng nhìn. Cùng ngày 12/2, sau các cuộc tham vấn tại New York (Mỹ), Anh cho biết sẽ phối hợp với Jordan để thảo một nghị quyết trong đó thể hiện quan điểm của Hội đồng Bảo an về Yemen.
Yemen rơi vào rối loạn kể từ khi phiến quân Houthi chiếm thủ đô Sanaa hồi tháng 9/2014. Tình hình trở nên tồi tệ hơn từ tháng 1/2015 sau khi lực lượng này lật đổ chính phủ.
Các cuộc biểu tình phản đối Houthi đã diễn ra ở nhiều nơi trên cả nước Yemen như thành phố Ibb, miền Trung, thành phố Daleh ở miền Nam và thành phố Dhammar có đông người Shiite sinh sống đang nằm dưới sự kiểm soát của Houthi.
Tại thủ đô Sanaa, hàng trăm người cũng xuống đường biểu tình phản đối Houthi, khẳng định "phiến quân không thể xây dựng một nhà nước." Ngày 8/2 vừa qua, Houthi đã ra lệnh cấm mọi cuộc biểu tình chống lại lực lượng này trừ phi có phép của Bộ Nội vụ, cơ quan mà lực lượng này đang kiểm soát.
Trước tình hình rối loạn trên, nhiều nước như Mỹ, Pháp, Đức, Italy, Anh và Hà Lan đã đóng cửa Đại sứ quán tại Yemen và rút các nhân viên ngoại giao về nước vì lý do an ninh.
Mới đây nhất, Tây Ban Nha và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) cũng thông báo ngừng hoạt động của phái bộ ngoại giao tại Sanaa từ ngày 14/2 do lo ngại tình hình chính trị và an ninh ngày càng xuống cấp. Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ khuyến cáo công dân nhanh chóng rời khỏi Yemen./.