Láng giềng của Hy Lạp phòng bị cho các ngân hàng và nền kinh tế

Các nước láng giềng Hy Lạp phòng bị cho các ngân hàng và nền kinh tế

Các nước láng giềng trong khu vực của Hy Lạp ngày 29/6 đã bắt đầu thực hiện các biện pháp để bảo vệ các ngân hàng và nền kinh tế trước cuộc khủng hoảng tài chính đang trầm trọng ở Hy Lạp.
Các nước láng giềng Hy Lạp phòng bị cho các ngân hàng và nền kinh tế ảnh 1Người dân xếp hàng chờ rút tiền bên ngoài chi nhánh Ngân hàng quốc gia Hy Lạp đã đóng cửa ở Thessaloniki ngày 29/6. (Nguồn: AFP/ TTXVN)

Các nước láng giềng trong khu vực của Hy Lạp ngày 29/6 đã bắt đầu thực hiện các biện pháp để bảo vệ các ngân hàng và nền kinh tế trước cuộc khủng hoảng tài chính đang trầm trọng ở Hy Lạp và khả năng nước này ra khỏi Khu vực sử dụng đồng euro.

Ở Serbia, Ngân hàng trung ương nước này thông báo đã có các biện pháp tạm thời đối với các ngân hàng có chủ sở hữu là người Hy Lạp, bao gồm các biện pháp kiểm soát bổ sung và các hạn chế với các giao dịch giữa các chi nhánh ở Serbia và các ngân hàng mẹ ở Hy Lạp.

Theo Ngân hàng Quốc gia Serbia, mục đích của việc tiến hành các biện pháp này là ngăn chặn những tác động tiêu cực từ cuộc khủng hoảng ở Hy Lạp đến hệ thống ngân hàng Serbia.

Trong khi Macedonia đã yêu cầu các ngân hàng nước này rút toàn bộ các khoản vay và tiền gửi ở các ngân hàng Hy Lạp và các chi nhánh của các ngân hàng đó ở Hy Lạp hoặc ở nước ngoài. Ngân hàng trung ương Macedonia (NBRM) cũng áp đặt những hạn chế nhằm ngăn chặn dòng vốn từ nước này chuyển sang Hy Lạp theo các giao dịch vốn mới được hoàn tất, việc sẽ gây ra lo ngại về cán cân thanh toán và sự ổn định của hệ thống tài chính.

Theo NBRM, những biện pháp tạm thời này có thể được thực hiện trong tối đa là sáu tháng. NBRM có quyết định trên sau khi Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras thông báo các biện pháp kiểm soát vốn như đóng cửa tạm thời các ngân hàng trong một tuần và giám sát chặt các giao dịch quốc tế.

Đối với Bulgaria, nước này không thực hiện bất kỳ một biện pháp đặc biệt nào, khi Ngân hàng trung ương Bulgaria khẳng định hệ thống ngân hàng nước này, kể cả các ngân hàng có cổ đông là các ngân hàng Hy Lạp, hoàn toàn độc lập về tài chính và hoạt động với hệ thống ngân hàng các nước khác. Ngân hàng Quốc gia Bulgaria cho biết thêm những ngân hàng có cổ đông là các ngân hàng Hy Lạp có đủ tiền mặt và có mức thanh khoản và vốn trên mức trung bình để bảo đảm sự ổn định và tránh bị tác động từ những diễn biến bất lợi ở các nước khác.

Về phía Albania, nơi không có cảnh xếp hàng trước các chi nhánh của bốn ngân hàng do Hy Lạp sở hữu, Thống đốc Ngân hàng trung ương nước này, Gent Sejko nói khủng hoảng tại Hy Lạp sẽ tác động đến nền kinh tế Albania thông qua hoạt động xuất khẩu và kiều hối từ cộng đồng người Do Thái, nhưng cũng cho biết xuất khẩu của Albania ngày càng giảm và kiều hối từ những người đang làm việc tại Hy Lạp cũng đã giảm trong vài năm qua. Theo một quan chức, nước này không có kế hoạch áp đặt các biện pháp kiểm soát vốn bổ sung.

Hàng triệu người ở các nước Bulgaria, Macedonia, Albania, Serbia và Romania đã gửi tiền ở những ngân hàng do các thiết chế cho vay của Hy Lạp sở hữu, khiến khu vực Đông Nam Âu trở thành "tuyến đầu" nếu cuộc khủng ở Hy Lạp có những tác động.

Với các ngân hàng Hy Lạp sở hữu 20% hệ thống ngân hàng ở một số nước, khả năng cuộc khủng hoảng ở Hy Lạp đến các hệ thống ngân hàng này là có thể và nền kinh tế các nước mà không có nền tảng vững chắc cũng sẽ khó tránh khỏi bị tác động./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục