36 nước tham gia Liên minh Địa nhiệt toàn cầu đã chính thức khởi động sáng kiến nhằm thúc đẩy việc khai thác năng lượng địa nhiệt tại các nền kinh tế đang phát triển thay vì sử dụng dầu mỏ, khí đốt và than.
Sự kiện này diễn ra ngày 7/12 bên lề Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP21) ở Le Bourget (Pháp), nhằm mục đích tăng 6 lần việc sản lượng địa nhiệt điện và tăng gấp ba năng lượng sưởi từ địa nhiệt vào năm 2030.
Hiện tại năng lượng địa nhiệt mới chỉ tăng trưởng ở mức trung bình là 3-4%/năm, cung cấp 12 gigawatt điện/năm. Đây chỉ là một phần nhỏ của tiềm năng thực sự của địa nhiệt điện ước tính lên tới 100 gigawatt. Chỉ có 24/90 quốc gia có tiềm năng địa nhiệt thực sự tận dụng được nguồn tài nguyên này.
Theo các chuyên gia, việc phát triển năng lượng địa nhiệt, đặc biệt tại các nước đang phát triển, đang đối mặt với những thách thức quan trọng.
Do những nguy cơ liên quan đến việc khoan địa chất trong quá trình thăm dò, cùng với chi phí cao, việc hỗ trợ tài chính trong giai đoạn đầu của quá trình khiến nhà đầu tư khó chấp nhận những rủi ro tiềm ẩn.
Liên minh tuyên bố các thành viên sẽ nỗ lực vượt qua trở ngại và tăng cường hệ thống cơ sơ các kỹ năng trong ngành công nghiệp này.
Sáng kiến Liên minh địa nhiệt toàn cầu đã được phác thảo lần đầu tiên vào tháng 9/2014 tại một hội nghị do Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon chủ trì. Thành viên là các quốc gia ở những điểm nóng về nhiệt như châu Phi, Đông Nam Á và Mỹ Latinh.
Năng lượng địa nhiệt được khai thác thông qua việc khoan vào đá nóng và sử dụng nguồn nước được đốt nóng để sản xuất điện và cung cấp nhiệt sưởi ấm cho cộng đồng.
Đây được coi là nguồn năng lượng sạch khi quá trình khai thác địa nhiệt phát thải ra lượng khí carbon dioxide (CO2) thấp hơn nhiều so với nhiên liệu hóa thạch.
Nó cũng được coi là nguồn năng lượng bền vững, khi có trữ lượng gần như là không giới hạn, mặc dù các giếng nước có thể hạ nhiệt hoặc cạn nước./.