Tâm lý lo ngại sâu sắc về những hành vi quá khích của các tín đồ Hồi giáo cực đoan đang ngày càng phổ biến tại nhiều nước có đa số dân theo đạo Hồi, trải dài từ Trung Đông đến Nam Á.
Đây là kết quả của cuộc khảo sát do Trung tâm nghiên cứu Pew của Mỹ thực hiện và công bố ngày 1/7.
Trung tâm Pew đã tiến hành phỏng vấn hơn 14.000 người dân tại 14 nước từ ngày 10/4 đến 25/5 và nhận thấy đa số người tham gia phỏng vấn đều bày tỏ đặc biệt quan ngại về chủ nghĩa cực đoan trong bối cảnh cuộc nội chiến tại Syria vẫn đang tiếp diễn cùng với những cuộc tấn công đẫm máu của các phiến quân Boko Haram ở Nigeria.
Tại Liban, nước láng giềng Syria, có tới 92% số người được hỏi, trong đó gồm những tín đồ Hồi giáo dòng Sunni, Shiite và tín đồ Cơ đốc giáo, khẳng định họ lo lắng về trước sự bành trướng của các tư tưởng Hồi giáo cực đoan, tăng 11% so cuộc khảo sát năm ngoái.
Mối quan ngại về những tín đồ cực đoan cũng gia tăng tại Jordan và Thổ Nhĩ Kỳ, hai nước giáp giới với Syria và đã phải đón nhận một lượng lớn người tị nạn Syria trong suốt thời gian qua.
Hơn một nửa số người dân Thổ Nhĩ Kỳ được phỏng vấn tỏ ra e sợ các tín đồ Hồi giáo cực đoan, tăng 18% so với năm 2012, trong khi con số này tại Jordan là 62%.
Tại châu Á, những hoạt động của các tổ chức và tín đồ Hồi giáo cực đoan cũng gieo rắc nỗi sợ hãi cho người dân nơi đây khi hầu hết những người được phỏng vấn tại Bangladesh (69%), Pakistan (66%) và Malaysia (63%) đều phản đối những tư tưởng Hồi giáo cực đoan.
Tuy nhiên, riêng tại Indonesia, quốc gia có số dân theo đạo Hồi nhiều nhất thế giới, chỉ có 4 trong 10 người được hỏi bày tỏ lo lắng về chủ nghĩa cực đoan.
Cũng theo cuộc khảo sát, đa số người dân các nước Hồi giáo đều không có cái nhìn thiện cảm đối với các tổ chức cực đoan như al-Qaeda, Hezbollah, Boko Haram và phong trào Hồi giáo Hamas đang kiểm soát Dải Gaza.
Có tới 79% người Nigeria được phỏng vấn cho biết họ không ủng hộ Boko Haram sau khi nhóm này tiến hành bắt cóc hơn 200 nữ sinh hồi đầu năm nay. Trong khi đó, 59% người Pakistan được phỏng vấn khẳng định không có thiện cảm với các phiến quân Taliban.
Cuộc khảo sát cũng cho thấy đa số người dân các nước Hồi giáo phản đối các vụ đánh bom nhằm vào dân thường khi chỉ có 46% người Palestine được hỏi tán thành hành động trên, giảm hơn 20% so với cách đây bốn năm.
Tại Liban, con số này là 29%, giảm mạnh so với tỷ lệ ủng hộ 74% của năm 2007./.