Theo một nghiên cứu công bố ngày 26/3 của Viện Phát triển Nước ngoài của Vương quốc Anh (ODI), các nước giàu đang sử dụng ngân sách viện trợ của họ để tăng cường các lợi ích quốc gia hơn là tập trung vào việc hỗ trợ người dân ở các nước nghèo.
Khi chủ nghĩa dân túy và sức ép kinh tế gia tăng, các nước cam kết dành một phần thu nhập quốc gia cho hoạt động viện trợ đang hướng tới các lợi ích kinh tế hoặc chính trị ngắn hạn hơn là công tác giảm nghèo.
Nhà nghiên cứu Nilima Gulrajani của ODI cho biết các nước viện trợ đang tăng cường liên kết hoạt động viện trợ với thương mại và đầu tư để gia tăng lợi ích kinh tế của họ.
[Australia dành 6,5 triệu AUD viện trợ cho đầu tư thương mại]
Theo nhà nghiên cứu Gulrajani, sự phát triển toàn cầu không phải là trọng tâm của chi tiêu dành cho hoạt động viện trợ của các nước và họ đã tập trung nhiều hơn vào lợi ích quốc gia riêng.
Theo số liệu thống kê của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), ngân sách dành cho hoạt động viện trợ của các nước giàu đã giảm nhẹ trong năm 2017.
Cụ thể, 29 nước thành viên của Ủy ban Hỗ trợ Phát triển (DAC) của OECD đã chi 146,6 tỷ USD cho hoạt động viện trợ trong năm 2017, giảm 0,6% so với năm 2016.
Chỉ 5 trong số 29 nước thành viên DAC gồm Đan Mạch, Luxembourg, Na Uy, Thụy Điển và Vương quốc Anh đáp ứng được mục tiêu chi 0,7% thu nhập quốc gia cho viện trợ phát triển mà Liên hợp quốc đề ra./.