Theo các nhóm nhà đầu tư hàng đầu toàn cầu hiện quản lý hàng nghìn tỷ USD tài sản, các nước giàu nhất thế giới cần phải đảm bảo các kế hoạch phục hồi sau đại dịch COVID-19 một cách bền vững và góp phần vào việc đạt được các mục tiêu của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.
Ý kiến trên được đưa ra khi đang có thêm các nước bắt đầu lên kế hoạch dỡ bỏ các biện pháp phong tỏa được thực hiện nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, khi những biện pháp đó đã làm giảm mạnh doanh thu của các doanh nghiệp, từ các hãng hàng không đến các nhà bán lẻ, đồng thời khiến lĩnh vực năng lượng có những thay đổi lớn.
Các nhóm nhà đầu tư cho biết vốn tư nhân sẽ đóng vai trò chủ chốt trong quá trình phục hồi sau đại dịch, nhưng các nhà đầu tư cần các chính sách dài hạn được thực hiện nhằm hướng tới một nền kinh tế cácbon thấp.
[EU nhất trí xây dựng quỹ phục hồi kinh tế trị giá hơn 1.000 tỷ euro]
Trong thông báo ngày 4/5, các nhóm nhà đầu tư, bao gồm nhóm Institutional Investor Group về biến đổi khí hậu, cho rằng những kế hoạch phục hồi làm gia tăng tình trạng biến đổi khí hậu sẽ khiến giới đầu tư và các nền kinh tế đứng trước những rủi ro lớn hơn về tài chính, y tế và xã hội trong những năm tới.
Các nhóm nói thêm các chính phủ cần tránh những dự án rủi ro, ngắn hạn và có lượng khí thải lớn.
Theo các nhóm nhà đầu tư, tiền đầu tư cho quá trình phục hồi nên được chi cho tạo việc làm và cơ sở hạ tầng bền vững, giúp đạt được mục tiêu không tạo ra khí thải cácbon ròng trong các lĩnh vưc như năng lượng, chế tạo, xây dựng và vận tải.
Thông báo trên được đưa ra sau những kêu gọi tương tự về sự phục hồi "xanh" của Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế Kristalina Georgieva, Thủ tướng Đức Angela Merkel và các quan chức khác.
Tuần trước, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã hối thúc Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) hành động nhiều hơn nữa, kêu gọi sử dụng tiền cứu trợ trong cuộc khủng hoảng COVID-19 để thúc đẩy quá trình khử cácbon trong nền kinh tế thế giới.
Theo ông Antonio, các nền kinh tế G20 chiếm hơn 80% lượng khí thải và trên 85% nền kinh tế toàn cầu và nếu không có đóng góp của các nước có lượng khí thải lớn nhất, các nỗ lực toàn cầu có thể sẽ thất bại./.