Các nước G20 chia rẽ về vấn đề khí hậu trước thềm hội nghị thượng đỉnh

Các nước gây ô nhiễm lớn như Trung Quốc và Ấn Độ vẫn duy trì những chính sách của họ và đạt ít tiến bộ kể từ sau hội nghị bộ trưởng năng lượng và môi trường G20 diễn ra tại Napoli hồi tháng 7.
Khói bốc lên tại một nhà máy nhiệt điện ở Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm, miền Đông Bắc Trung Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Các nước thành viên trong Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đang có khác biệt quan điểm về việc giảm dần sử dụng than đá và cam kết hạn chế sự tăng nhiệt độ Trái Đất ở mức 1,5 độ C, trong bối cảnh các bên đang chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh G20 dự kiến diễn ra tại thủ đô Rome của Italy vào tuần tới.

Ba nguồn tin cho biết đến nay, các nước gây ô nhiễm lớn như Trung Quốc và Ấn Độ vẫn duy trì những chính sách của họ và đạt ít tiến bộ kể từ sau hội nghị bộ trưởng năng lượng và môi trường G20 diễn ra tại Napoli hồi tháng Bảy.

Theo một nguồn tin, khó có thể đạt được bất kỳ sự nhượng bộ nào trước khi những cố vấn về vấn đề khí hậu của chính phủ các nước G20 có cuộc thảo luận trực tiếp trong hai ngày 28-29/10, chỉ 2 ngày trước khi khai mạc Hội nghị thượng đỉnh G20.

Trong khi đó, một nguồn tin khác là một bộ trưởng thuộc G20 cho rằng vấn đề nằm ở cam kết của Trung Quốc, Ấn Độ và Nga về việc hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5 độ C và việc giảm dần sử dụng than đá cũng như nhiên liệu hóa thạch.

Trước đó, hồi tháng Bảy, các bộ trưởng năng lượng và môi trường G20 đều thể hiện mong muốn giới hạn nhiệt độ Trái Đất tăng ở mức 1,5 độ C nhưng lại không đưa ra cam kết rõ ràng nhằm đạt được mục tiêu này.

Các bộ trưởng cũng không đạt được sự đồng thuận về thời điểm cụ thể chấm dứt trợ cấp cho các dự án nhiên liệu hóa thạch, ngừng tài trợ quốc tế cho các dự án than đá và dần tiến tới loại bỏ hoàn toàn điện than, đồng thời kêu gọi các nhà lãnh đạo G20 thu hẹp khoảng cách tại hội nghị thượng đỉnh sắp tới tại Rome.

Đến nay, ít nhất 4 nguyên thủ quốc gia của G20 dự kiến không trực tiếp tham dự hội nghị thượng đỉnh diễn ra từ ngày 30-31/10 tại thủ đô Rome, trong đó có Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Hiện, Nga là nước sản xuất năng lượng lớn nhất thế giới, trong khi Trung Quốc là nước phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính lớn nhất thế giới.

Dự kiến, mục tiêu cắt giảm phát thải sẽ là vấn đề trọng tâm tại hội nghị thượng đỉnh G20 sắp tới. Đây được xem là bước đệm quan trọng trước thềm Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) tại Glasgow (Anh) vào tháng sau.

Chủ tịch COP26 Alok Sharma mới đây cho rằng G20, nhóm quốc gia thải ra 80% lượng khí thải toàn cầu, sẽ là nhân tố quan trọng để hội nghị tại Glasgow thành công hay thất bại./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục