Các nước EU vẫn bất đồng về công cụ thương mại đặc biệt với Iran

Theo Ngoại trưởng Đức, công cụ “Phương tiện mục đích đặc biệt” vẫn chưa được đăng ký lập, tuy nhiên ông khẳng định thực thể này sẽ được đăng ký và tin về việc triển khai kế hoạch này sẽ được công bố.
Các nước EU vẫn bất đồng về công cụ thương mại đặc biệt với Iran ảnh 1Ngoại trưởng Đức Heiko Maas. (Nguồn: deutschland.de)

Nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran, còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) có nguy cơ đổ vỡ sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận này hồi tháng 5/2018, Liên minh châu Âu (EU) đã thúc đẩy việc thiết lập cơ chế thanh toán đặc biệt cho Iran nhằm tránh các biện pháp trừng phạt của Washington.

Tuy đã sẵn sàng đi vào hoạt động, đến nay các nước EU vẫn còn những bất đồng về cơ chế này.

Phát biểu tại một cuộc họp tại Brussels (Bỉ) ngày 28/1, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cho biết ở thời điểm hiện tại, công cụ có tên “Phương tiện mục đích đặc biệt” (SPV) vẫn chưa được đăng ký thành lập, tuy nhiên ông khẳng định thực thể này sẽ được đăng ký và thông tin về việc triển khai kế hoạch này sẽ được công bố.

Ý tưởng thành lập SPV do Đức, Pháp và Anh - ba nước tham gia ký thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015, đưa ra nhằm bảo vệ các doanh nghiệp cộng tác với Iran cũng như duy trì trao đổi thương mại giữa hai bên. Với cơ chế này, trao đổi thương mại giữa EU và Iran không sử dụng đồng USD và tránh các biện pháp trừng phạt của Mỹ.

Tuy nhiên, EU muốn triển khai cơ chế này cùng với một tuyên bố chính thức đối với Iran được 28 nước thành viên EU thông qua, cũng như giải quyết toàn bộ mối quan ngại của các nước EU về nước Cộng hòa Hồi giáo liên quan đến chương trình tên lửa đạn đạo hay sự can dự của Iran trong các cuộc xung đột tại Trung Đông,...

[Iran chỉ trích EU về việc thiết lập cơ chế thương mại đặc biệt]

Hiện năm nước thành viên EU có trao đổi thương mại lớn nhất với Iran bao gồm Italy, Tây Ban Nha, Đức, Pháp và Hy Lạp. Các mặt hàng xuất khẩu chính của Iran sang thị trường EU bao gồm nhiên liệu hóa thạch, dầu mỏ, khoáng sản và sắt thép, trái cây… Trong khi đó, các mặt hàng Iran nhập khẩu chính từ EU gồm lò phản ứng hạt nhân, nồi hơi, máy móc, thiết bị cơ khí và các bộ phận, máy móc và thiết bị điện.

Từ tháng 1-9/2018, Iran đã xuất khẩu lượng hàng hóa trị giá hơn 8 tỷ euro (trên 9 tỷ USD) tới các nước thành viên EU, tăng hơn 25% so với cùng kỳ năm trước. Còn nhập khẩu của Iran từ EU giảm 8% so với cùng kỳ năm trước, ở mức hơn 6 tỷ euro (trên 7 tỷ USD).

Theo các nguồn tin ngoại giao, Italy và Tây Ban Nha cho đến nay vẫn ngăn cản việc đưa ra tuyên bố thành lập SPV và điều này đồng nghĩa với việc kế hoạch thành lập SPV phải đợi để được đem ra thảo luận tại cuộc họp chính thức sắp tới của bộ trưởng các nước EU vào ngày 12/2.

Hiện chưa rõ liệu Đức, Pháp và Anh có chờ đợi để EU đưa ra một tuyên bố chung về SPV, hoặc ba nước kiên quyết khởi động thể chế này mà không cần sự thông qua của EU trong bối cảnh Tehran đang tỏ ra thiếu kiên nhẫn và liên tục hối thúc EU nhanh chóng thực thi cơ chế thương mại này để bảo vệ lợi ích của Iran./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục