Trong bối cảnh gia tăng tâm lý lo ngại bạo lực và di cư bất hợp pháp, gần đây một số nước Liên minh châu Âu (EU) thuộc khu vực Schengen đã tăng cường kiểm soát biên giới.
Ngày 19/10, Thủ tướng Croatia Andrej Plenkovic tuyên bố tạm thời tái áp dụng các biện pháp kiểm soát biên giới với Slovenia, vài giờ sau khi Chính phủ Slovenia quyết định triển khai kiểm soát biên giới với Croatia và Hungary từ ngày 21-30/10 tới.
Trong tuyên bố, Chính phủ Slovenia nhấn mạnh cần hành động ngay lập tức để đảm bảo trật tự và an ninh công cộng cho công dân nước này cũng như công dân của EU.
Tính từ đầu năm đến ngày 15/10 vừa qua, Slovenia đã tiếp nhận báo cáo về 48.076 vụ vượt biên bất hợp pháp, tăng vọt so với 18.433 vụ trong 9 tháng đầu năm 2022.
Trong khi đó, ngày 18/10 vừa qua, Italy đã tạm thời đình chỉ các quy tắc Schengen của EU về đi lại mở, kích hoạt lại các biện pháp kiểm soát biên giới với Slovenia. Chính phủ Italy cho biết sẽ bắt đầu kiểm soát biên giới giữa nước này và Slovenia bắt đầu từ ngày 21/10 và kéo dài trong ít nhất 10 ngày.
Chia sẻ trên truyền thông xã hội, Thủ tướng Italy Giorgia Meloni cho biết việc tạm dừng thực thi Hiệp ước Schengen về di chuyển tự do ở châu Âu là cần thiết do tình hình ngày càng tồi tệ ở Trung Đông, sự gia tăng dòng người di cư dọc theo tuyến đường Balkan và trên hết là vì lý do an ninh quốc gia.
[Italy đình chỉ Hiệp ước Schengen, kiểm soát biên giới với Slovenia]
Trước đó, ngày 16/10 vừa qua, Đức cũng đã thông báo cho Ủy ban châu Âu (EC) về kiểm soát tạm thời tại biên giới nước này với các nước Ba Lan, Cộng hòa Séc và Thụy Sĩ trong nỗ lực ứng phó với tình trạng di cư bất hợp pháp.
Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh như Bộ trưởng Nội vụ Đức Nancy Faeser nhận định hoạt động của những kẻ buôn người ngày càng trở nên liều lĩnh. Tính đến đầu tháng 10 này, Đức đã phát hiện 98.000 lượt nhập cảnh trái phép, tăng 6.000 trường hợp so với toàn bộ năm ngoái.
Các biện pháp hạn chế biên giới được đưa ra sau khi gần đây, các sự cố an ninh công cộng liên tục xảy ra tại nhiều nước châu Âu. Ngày 16/10 vừa qua, sau khi tay súng 45 tuổi gốc Tunisia bắn chết 2 công dân Thụy Điển tại trung tâm Brussel, nhà chức trách Bỉ cũng đã tăng mức cảnh báo khủng bố trên toàn quốc. Ngày 17/10, Italy bắt giữ 2 đối tương bị tình nghi liên quan tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng.
Dù đã hạ thấp nguy cơ xảy ra cuộc tấn công khủng bố ở trong nước, nhưng Ngoại trưởng Italy Antonio Tajani nhấn mạnh cần duy trì cảnh giác. Hơn nữa, trong những ngày qua một số sân bay châu Âu cũng đã bị đe dọa đánh bom.
Theo cảnh sát Pháp, ít nhất 7 sân bay, trong đó có các sân bay Lille, Lyon, Bordeaux, Nantes và Toulouse, đã bị đe dọa và phải sơ tán trong ngày 19/10.
Ngày 18/10, sân bay Ostend-Bruges ở Tây Bắc của Bỉ phải sơ tán vì lý do tương tự.
Xung đột đang diễn ra giữa phong trào Hồi giáo Hamas và Israel đã làm gia tăng căng thẳng xã hội ở nhiều nước châu Âu như là Pháp và Đức, những nước có cộng đồng Do Thái và Hồi giáo lớn nhất EU.
Hiện chưa rõ các nước khu vực Schengen sẽ duy trì các biện pháp kiểm soát biên giới trong bao lâu và có thêm các nước khác áp dụng biện pháp này hay không./.