Các nước EU phản đối kế hoạch xây nhà định cư của Israel

Anh và một số nước châu Âu đã triệu đại sứ Israel tới để phản đối kế hoạch xây hơn 1.800 căn nhà định cư mới tại Đông Jerusalem và Bờ Tây.
Các nước EU phản đối kế hoạch xây nhà định cư của Israel ảnh 1Khu định cư mới của người Do Thái được xây dựng tại Har Homa ngày 20/12/2012. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 16/1, Anh và một số nước châu Âu đã triệu đại sứ Israel tới để phản đối kế hoạch xây hơn 1.800 căn nhà định cư mới tại Đông Jerusalem và Bờ Tây.

Một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Anh cho biết Đại sứ Israel tại London đã được triệu tới Bộ Ngoại giao nước này liên quan đến quyết định gần đây của Chính phủ Israel công bố kế hoạch xây nhà định cư mới tại Đông Jerusalem và Bờ Tây.

Bộ Ngoại giao Anh cho rằng việc thông báo kế hoạch trên ảnh hưởng bất lợi tới bầu không khí thuận lợi cho cuộc đàm phán hiện nay, đồng thời hối thúc Israel kiềm chế đưa ra những thông báo tương tự. Trước đó, Đại sứ Israel tại Paris (Pháp), Rome (Italy) và Madrid (Tây Ban Nha) cũng đã bị triệu hồi đến Bộ Ngoại giao các nước này trong động thái tương tự.

Phản ứng lại, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã chỉ trích Liên minh châu Âu (EU), đồng thời cho rằng thái độ "thiếu cân bằng" này của EU đang đẩy hòa bình Trung Đông ra xa hơn. Trong khi đó, Đài phát thanh Quân đội Israel ngày 16/1 cũng cho biết trong các cuộc hội đàm gần đây với giới chức Mỹ, Thủ tướng Netanyahu đã đưa ra yêu cầu giữ lại chủ quyền khu định cư Do Thái thứ tư, cùng với 3 khu định cư đã tuyên bố chủ quyền trước đó.

Đổi đất được cho là một trong những vấn đề mấu chốt trong các cuộc đàm phán hòa bình giữa Israel và Palestine, theo đó Israel muốn giữ lại các phần đất tại ba khu định cư Do Thái lớn của nước này trong bất kỳ một thỏa thuận hòa bình tương lai nào có thể đạt được.

Cũng theo nguồn tin trên, Thủ tướng Netanyahu đã từ chối đưa ra các khu đất dùng để trao đổi với chính quyền Palestine, song đề nghị mua lại một phần đất và bồi thường cho các chủ đất người Palestine.

Ba khu định cư Do Thái lớn nhất mà Israel muốn tuyên bố chủ quyền vĩnh viễn bao gồm Ariel, Gush Etzion và Ma'aleh Adumim, trong khi khu định cư thứ tư nằm ở Beit El, gần thành phố Ramallah.

Trong một diễn biến cùng ngày 16/1, Thủ tướng Israel Netanyahu đã bất ngờ thăm quốc gia láng giềng Jordan và hội đàm với Quốc vương Abdullah II về tiến trình hòa bình Trung Đông, trong đó có đề nghị về một thỏa thuận an ninh giữa Jordan và nhà nước Palestine trong tương lai.

Nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của Jordan đối với tiến trình đàm phán, ông Netanyahu cho rằng các thỏa thuận hòa bình tương lai có liên quan đến lợi ích của quốc gia này, trong đó có vấn đề an ninh tại Thung lũng Jordan, tiếp giáp với khu Bờ Tây.

Vấn đề Thung lũng Jordan, mà mấu chốt là việc giảm bớt sự hiện diện hoặc thay thế số binh lính Israel đang đồn trú tại thung lũng này, là một trong những nội dung của kế hoạch an ninh mà Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đang tập trung thảo luận trong các chuyến công du Trung Đông gần đây.

Phía Israel đòi hỏi tiếp tục hiện diện quân sự lâu dài tại Thũng lũng Jordan như một hàng lang an toàn chống lại các nguy cơ an ninh. Hồi cuối năm 2013, Ủy ban Bộ trưởng về Luật pháp thuộc Quốc hội Israel đã bỏ phiếu thông qua dự luật về việc sáp nhập Thung lũng Jordan.

Nếu được Quốc hội thông qua, dự luật sẽ chính thức có hiệu lực và luật pháp Israel sẽ được áp dụng tại vùng chiếm đóng này. Tuy nhiên, Palestine đã kịch liệt phản đối, đồng thời yêu cầu sự hiện diện của lực lượng hòa bình quốc tế tại đây./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục