Các nước EU bắt đầu siết chặt kiểm soát người xin tị nạn

Ngày 14/9, tại Brussels (Bỉ), các Bộ trưởng Nội vụ Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí bắt đầu việc soạn thảo danh sách "các nước an toàn."
Người di cư tại nhà ga ở Munich của Đức ngày 12/9 vừa qua. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong cuộc họp khẩn ngày 14/9 tại Brussels (Bỉ), ngoài việc thống nhất triển khai kế hoạch tái phân bổ 40.000 người tị nạn đến từ Italy, Hy Lạp trong vòng hai năm tới, các Bộ trưởng Nội vụ Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí bắt đầu việc soạn thảo danh sách "các nước an toàn."

Các nước lọt vào danh sách này là những nước mà người di cư không thể nhận quy chế tị nạn tại EU theo thủ tục đơn giản. Danh sách sẽ bao gồm tất cả các nước ứng cử viên gia nhập EU, nghĩa là tất cả các nước Balkan.

Dự kiến danh sách cuối cùng sẽ được công bố trước cuối tháng 10 tới.

Các bộ trưởng nội vụ EU đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết mở cửa biên giới giữa các nước thành viên, nhưng phải phối hợp đảm bảo an ninh biên giới với các nước ngoài liên minh. Bên cạnh đó, lãnh đạo các bộ cũng quyết định sẽ đẩy mạnh các chiến dịch kiểm soát dòng người di cư.

Ngoài ra, Bộ trưởng Nội vụ EU hoan nghênh đề xuất của Ủy ban châu Âu trước cuối năm 2015 củng cố khả năng của Cơ quan Giám sát biên giới châu Âu (Frontex), sớm triển khai nhóm phản ứng nhanh để tăng cường khả năng của cơ quan này.

Trong một diễn biến liên quan, cùng ngày, Macedonia cho biết khoảng 6.000 người di cư từ các nước Trung đông và Bắc Phi trong ngày 14/9 đã được chuyển từ biên giới giữa Macedonia và Hy Lạp tới miền Bắc Serbia.

Theo Bộ Nội vụ nước này, trong ba tháng qua, khoảng 76.000 người di cư từ các nước Trung đông và Bắc Phi cũng như Trung và Nam Á đã tới Macedonia để tìm cách tới các nước Tây Âu.

Bộ trưởng Lao động, việc làm, cựu chiến binh và các vấn đề xã hội Alexander Vulin cho biết những người di cư từ Serbia vào Hungary sẽ không được tiếp nhận trở lại.

Trong khi đó, đạo luật về di cư và bảo vệ biên giới của Hungary chính thức có hiệu lực từ ngày; theo đó cho phép triển khai quân đội bảo vệ biên giới, truy tố những người vượt biên bất hợp pháp và đẩy nhanh thủ tục xem xét đơn xin tị nạn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục