Các nước đề cao vai trò LHQ trong quản trị kinh tế

Đại diện các nước thành viên đã khẳng định Liên hợp quốc phải đóng vai trò trung tâm trong quản trị kinh tế toàn cầu hiện nay.
Ngày 19/12, tại phiên thảo luận chung của Đại Hội đồng Liên hơp quốc, đại diện các nước thành viên đã khẳng định Liên hợp quốc phải đóng vai trò trung tâm trong quản trị kinh tế toàn cầu để duy trì vị thế pháp lý không thể chối cãi của tổ chức này trong tình hình hiện nay.

Phát biểu thay mặt Chủ tịch, Phó Chủ tịch Đại Hội đồng Liên hợp quốc Mohammed Loulichki nhấn mạnh, Liên hợp quốc luôn là diễn đàn quốc tế đa phương và mang tính phổ quát duy nhất, nhưng những năm gần đây đã chứng kiến những giới hạn của tổ chức này trong quản trị kinh tế thế giới.

Trong khi con người, ý tưởng, nguồn lực, tài chính và quy mô của các nền kinh tế mới nổi vượt xa so với thời điểm thành lập Liên hợp quốc năm 1945 nhưng cơ cấu quản trị kinh tế toàn cầu hiện nay không phản ánh được những thay đổi này.

Liên hợp quốc sẽ không thể đối phó được những thách thức toàn cầu nếu không cải tổ các khuôn khổ pháp lý để tăng cường sự phối hợp chính sách quốc tế.

Đại diện các nước thành viên kêu gọi tăng cường vai trò không thể thay thế của Liên hợp quốc, trong đó tập trung duy trì vai trò trung tâm của các cơ quan Liên hợp quốc trong hợp tác quốc tế vì phát triển.

Các thể chế quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cần tăng cường các chức năng phát triển và thực hiện các dự án hỗ trợ các nước đang phát triển.

Trong khi các nước đang phát triển trở thành động lực của nền kinh tế toàn cầu, việc tăng cường các cơ quan liên chính phủ để tài trợ cho quá trình phát triển là biện pháp quan trọng để đáp ứng các vấn đề hiện nay của những quốc gia này.

Các nước đang phát triển nhấn mạnh nhiều nhóm và cơ chế phát triển quốc tế hiện nay đang mất dần tính hợp pháp do các quốc gia đang phát triển không được đại diện đầy đủ trong các tổ chức này. Vì vậy, cần tăng cường chủ nghĩa đa phương phổ quát hiện đã được Liên hợp quốc thúc đẩy, trong đó dù lớn hay nhỏ, các nước đều có tiếng nói quan trọng như nhau.

Hội đồng Kinh tế xã hội Liên hợp quốc (ECOSOC) cần được tăng cường vai trò là diễn đàn phát triển và thúc đẩy đồng thuận chính sách cùng với các cơ chế hợp tác và phối hợp giữa các cơ quan trực thuộc để Liên hợp quốc giữ vai trò trung tâm quản trị kinh tế toàn cầu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục