Các nước đang phát triển có nguy cơ lỡ quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch

Phát biểu tại Hội nghị toàn cầu về năng lượng tái tạo, Tổng thống Kenya, ông William Ruto cảnh báo nếu không có đầu tư và hỗ trợ, các quốc gia đang phát triển sẽ không được hưởng lợi từ điện sạch.
Tổng thống Kenya, ông William Ruto. (Nguồn: The East African)

Ngày 24/9, các nhà lãnh đạo thế giới cho biết nếu không có sự hỗ trợ tài chính từ các nước giàu, các quốc gia đang phát triển có nguy cơ bỏ lỡ mục tiêu tăng gấp 3 công suất năng lượng tái tạo trên toàn thế giới.

Phát biểu tại Hội nghị toàn cầu về năng lượng tái tạo, được tổ chức bên lề cuộc họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc tại New York (Mỹ), Tổng thống Kenya, ông William Ruto cảnh báo dù hiện đã có công nghệ giúp đạt mục tiêu tăng gấp 3 công suất năng lượng tái tạo toàn cầu vào năm 2030, nhưng nếu không có đầu tư và hỗ trợ, các quốc gia đang phát triển sẽ không được hưởng lợi từ điện sạch.

Mục tiêu này đã được đề ra tại Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về khí hậu (COP28) ở Dubai, Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE) năm 2023.

Các báo cáo gần đây, bao gồm cả báo cáo của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), cũng chỉ ra rằng mục tiêu tăng gấp 3 công suất năng lượng tái tạo là khả thi trong thập kỷ này, nhưng đòi hỏi các quy tắc và quy định cấp phép chặt chẽ, cũng như đầu tư vào việc xây dựng hệ thống truyền tải và lưu trữ pin.

Tuy nhiên, Tổng thống Ruto nhấn mạnh: "Châu Phi nhận được ít hơn 50% đầu tư toàn cầu vào năng lượng tái tạo, dù là nơi có 60% cơ hội khai thác tốt nhất nguồn năng lượng Mặt Trời."

Là lục địa giàu tài nguyên, song chi phí đắt đỏ, cùng những hạn chế về nguồn năng lượng khiến khu vực gặp khó khăn trong việc khai thác các tài nguyên này cho mục đích phát triển.

Tại hội nghị, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), bà Ursula von der Leyen cho biết mục tiêu này sẽ đòi hỏi "các khoản đầu tư lớn" từ khu vực công và tư nhân, đặc biệt là đối với các quốc gia và khu vực thiếu nguồn năng lượng và vốn giá rẻ. Theo bà, chi phí quá cao sẽ gây trở ngại cho quá trình điện khí hóa.

Về phần mình, Thủ tướng Barbados, bà Mia Mottley cho rằng trợ cấp nhiên liệu hóa thạch đang nhiều hơn trợ cấp năng lượng tái tạo, khiến các nước nhỏ phải tốn kém hơn khi phát triển các dự án năng lượng sạch.

Cùng ngày, Mission 2025 -liên minh gồm một số công ty, tổ chức tài chính và thành phố lớn nhất thế giới- đã kêu gọi các chính phủ thông qua các chính sách giúp giải phóng 1.000 tỷ USD đầu tư vào năng lượng sạch từ nay đến năm 2030, chẳng hạn như đặt mục tiêu công suất mới và cung cấp tín dụng thuế hoặc hợp đồng điện dài hạn, từ đó thúc đẩy nhu cầu đầu tư của ngành.

Các nhà lãnh đạo châu Phi đang gặp khó khăn trong việc tìm cách đa dạng hóa danh mục điện nhằm thúc đẩy phát triển và giúp hàng triệu người dân tại châu lục này có thể tiếp cận điện.

Ngày 23/9 vừa qua, Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Phi và Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) đã có bài phát biểu về dự án mở rộng khả năng tiếp cận điện cho hơn 300 triệu người tại châu Phi, trong đó hai ngân hàng này đang tìm kiếm 30 tỷ USD đầu tư từ khu vực tư nhân./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục