"Các nước đang phát triển có nguy cơ bị tụt hậu"

Chủ tịch Đại hội đồng LHQ khẳng định các nền kinh tế đang phát triển có nguy cơ tụt hậu do tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu.
Kết thúc cuộc tranh luận tại Đại hội đồng Liên hợp quốc về tài trợ phát triển, Liên hợp quốc ngày 8/12 đã yêu cầu các nước phát triển thực hiện các cam kết tăng viện trợ phát triển chính thức (ODA) cho các nước đang phát triển mặc dù thế giới phát triển vẫn đang bị tác động nặng nề của khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc Nassir Abdulaziz Al-Nasser khẳng định các nền kinh tế đang phát triển có nguy cơ tụt hậu do tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu nếu không có các nguồn ODA. Các nền kinh tế đang phát triển vẫn dễ đổ vỡ trước tác động của các cú sốc kinh tế từ các nước phát triển tràn sang cũng như nguy cơ đảo chiều của các dòng đầu tư tư nhân, tỷ giá hối đoái bị áp đặt bất công và biến động giá cả hàng hóa.

Trong môi trường kinh tế thế giới hiện nay, điều có ý nghĩa quan trọng đối với các nước đang phát triển là thúc đẩy các biện pháp làm giảm đói nghèo và khuếch trương các cơ hội tạo việc làm hiệu quả.

Tuy nhiên, để thực hiện thành công các biện pháp này, các nước đang phát triển cần sự giúp đỡ lớn từ bên ngoài trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã làm giảm mạnh nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của nước ngoài cũng như các nguồn đầu tư tư nhân. Những tác động bất lợi này là nhân tố tiềm tàng gây bất ổn định các nền kinh tế đang phát triển.

Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc cũng kêu gọi các nước xử lý thích hợp sự mất cân bằng của hệ thống buôn bán toàn cầu. Tiềm năng phát triển của buôn bán quốc tế vẫn bị hạn chế do các hàng rào thuế quan và phi thuế quan cũng như trợ cấp nông nghiệp của các nước phát triển.

Nhu cầu kết thúc thành công Vòng đàm phán phát triển Doha đã trở nên cấp bách để loại trừ các hàng rào buôn bán bất công đối với các nước đang phát triển, đặc biệt là các nước kém phát triển nhất (LDC). Sau gần một thập kỷ thương lượng nhằm tăng cường buôn bán quốc tế, thị phần của các nước LDC trong thị trường toàn cầu vẫn ở mức cực thấp. Các nước phát triển cần biến lời hứa ưu đãi buôn bán phi thuế quan đối với các nước LDC thành hiện thực.

Phó Tổng Thư ký thường trực của Liên hợp quốc Asha-Rose Migiro cũng nhấn mạnh các nước đang phát triển cho đến nay vẫn đối mặt với vòng luẩn quẩn tăng trưởng chậm, thu nhập thấp và nợ nần cao. Họ cần sự hỗ trợ bên ngoài để đối phó với tác động của khủng hoảng kinh tế nhưng trong bối cảnh hiện nay, các nước tài trợ đã siết chặt ngân sách.

Bà kêu gọi các nước phát triển tìm giải pháp mới để thực hiện các cam kết viện trợ phát triển, đồng thời không để tác động gây bất ổn định của cuộc khủng hoảng nợ từ các nước phát triển làm phương hại sự ổn định và tăng trưởng kinh tế của các nước đang phát triển./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục