Phần lớn các nước tham dự cuộc họp lần thứ 44 của Đại Hội đồng Tổ chức các nước châu Mỹ (OAS) ngày 5/6 đều nhất trí rằng Cuba cần được mời tham gia Hội nghị cấp cao châu Mỹ năm 2015 tổ chức tại Panama.
Trong cuộc họp Nhóm đánh giá việc triển khai hội nghị, Ngoại trưởng Panama Francisco Alvarez De Soto đã đề xuất mời Cuba tham dự hội nghị.
Ý kiến này đã nhận được sự đồng tình của một loạt các nước như Chile, Mexico, Nicaragua, Guatemala, Guyana, Peru, Trinidad và Tobago, và Uruguay.
Tuy nhiên, phái đoàn của Mỹ đã ngay lập tức bác bỏ đề xuất này khiến một số quốc gia cảnh báo sẽ tẩy chay hội nghị vào năm tới nếu Cuba một lần nữa bị gạt ra ngoài.
Ngoại trưởng Argentina Hector Timerman khẳng định Argentina "sẽ rất khó" tham dự hội nghị nếu Cuba lại không được mời.
Đồng tình với ông Timerman, phái viên Brazil Jose Felicio tuyên bố sự có mặt của Cuba là một điều kiện cần thiết đối với cuộc đối thoại mang tính xây dựng hướng đến sự hòa nhập rộng lớn hơn trong châu lục. Phái đoàn Bolivia cũng cảnh báo sẽ không tham gia hội nghị tới nếu Cuba không tham gia.
Trước đó, ngày 4/6, Đại diện thường trực của Nicaragua tại OAS Denis Moncada cũng đề xuất mời Cuba tham gia Hội nghị cấp cao châu Mỹ vào năm 2015, khẳng định không thể tổ chức một hội nghị cấp cao châu Mỹ nữa mà không có sự tham gia của Cuba.
Tổng thống Ecuador Rafael Correa sau đó đã ngay lập tức tuyên bố sẽ không tham dự hội nghị này nếu Cuba không được mời.
OAS có trụ sở tại Washington được thành lập với mục tiêu tăng cường sự đoàn kết tại châu lục gồm hơn 30 quốc gia thành viên. Tuy nhiên, chương trình nghị sự thường chịu ảnh hưởng lớn của Mỹ gây ra những phản ứng từ nhiều nước thành viên.
Từ năm 1962, Cuba bị loại khỏi OAS do sức ép của Mỹ, sau khi chính phủ cách mạng tại quốc đảo này quyết định đưa đất nước đi theo con đường chủ nghĩa xã hội.
Đến năm 2009, OAS đã quyết định khôi phục tư cách thành viên của Cuba với sự ủng hộ của đại đa số các nước trong khu vực, song quốc đảo này kiên quyết lập trường không quay trở lại OAS cho tới khi nào tổ chức này không còn chịu sự chi phối từ chính sách đối ngoại của Washington./.