Các bộ trưởng tài chính châu Âu cuối tuần qua đã lên tiếng ủng hộ các nỗ lực ngăn chặn tình trạng trốn thuế của các tập đoàn đa quốc gia sau vụ bê bối LuxLeaks hồi năm ngoái, nhưng các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đứng trước các cuộc thương lượng khó khăn để lên một kế hoạch chi tiết.
Theo đề xuất mới được Ủy ban châu Âu (EC) đưa ra tại cuộc họp của các bộ trưởng tài chính tại Riga, thủ đô Latvia, 28 quốc gia thành viên EU sẽ chia sẻ các thỏa thuận đã nhất trí với một số tập đoàn đa quốc gia lớn nhất thế giới, chấm dứt các điều khoản bí mật cho phép các nước thành viên cạnh tranh với nhau trong việc thu hút các doanh nghiệp và đầu tư.
Với cơ chế mới, các nước thành viên sẽ buộc phải tự động công bố những ưu đãi thuế áp dụng cho các công ty với các nước thành viên khác ba tháng một lần.
Theo Cao ủy phụ trách các vấn đề kinh tế của EU, Pierre Moscovici, đề xuất này là đơn giản, thiết thực, được áp dụng nhanh chóng vào tháng 1/2016, và là một cuộc cách mạng thực sự.
Kế hoạch mới còn phải trải qua các cuộc thương lượng trong nhiều tháng này sẽ nhằm vào các ưu đãi thuế, các thỏa thuận ngầm là mấu chốt trong vụ bê bối LuxLeaks.
Vụ bê bối vào năm ngoái đã hé lộ rằng một số công ty lớn nhất thế giới, trong đó có Pepsi và Ikea, đã được hưởng mức thuế chỉ là 1% theo thỏa thuận ngầm với các cơ quan thuế ở Luxembourg.
Bộ trưởng Tài chính Pháp Michel Sapin cho biết, đề xuất của EC đã được tất cả các bộ trưởng nhất trí vô điều kiện.
Bộ trưởng của các nước đang bị chỉ trích về cơ chế thuế là Hà Lan, Ireland và Luxembourg rất ủng hộ kế hoạch mới.
EU đã tiến hành các cuộc điều tra nhằm vào các nước này, nghi ngờ những ưu đãi thuế dành cho các tập đoàn đa quốc gia như Apple, Starbucks và Amazon là vi phạm quy định chung./.