Các nước châu Âu tiếp tục “khát” khí đốt của Nga

Các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Nga có thể gây ảnh hưởng lớn tới giá khí đốt tại châu Âu và khả năng giá “năng lượng xanh” được bán cho các nước EU có thể đắt thêm 30%.
Các nước châu Âu tiếp tục “khát” khí đốt của Nga ảnh 1Logo của công ty Gazprom tại diễn đàn khí đốt quốc tế St. Petersburg, Nga. (Nguồn: EPA/TTXVN)

Theo số liệu của Cơ quan Hải quan Nga, xuất khẩu khí đốt của Nga trong 6 tháng đầu năm nay tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2016, lên 103 tỷ m3, doanh thu từ xuất khẩu khí đốt tăng 19,5% so với cùng kỳ năm trước và đạt 17,891 tỷ USD.

Theo Gazprom, từ đầu năm, nhu cầu tiêu thụ khí đốt của Nga tại Tây Âu và Trung Âu tăng mạnh với thống kê cho thấy xuất khẩu khí đốt của Nga sang Đức tăng 16,4%, sang Áo tăng 74,2%, sang Slovakia tăng 27,7%, sang Cộng hòa Séc tăng 27,1%.

Ngoài ra, xuất khẩu khí đốt của Nga sang Thổ Nhĩ Kỳ cũng tăng 23,4%, sang Hungary tăng 25,9%, sang Hy Lạp tăng 12,2%, sang Macedonia tăng 70,6%.

Đầu tháng Sáu, Phó Giám đốc điều hành Gazprom, Aleksandr Medvedev cho biết trong năm 2017 Gazprom có thể xuất khẩu khoảng 180 tỷ m3 khí đốt sang các nước cách xa Nga, nhờ việc dỡ bỏ hạn chế vận chuyển khí đốt theo đường ống Opal nối với đường ống chạy dưới đáy biển Baltic dẫn trực tiếp khí đốt của Nga sang Tây Âu.

Hiện Gazprom giữ độc quyền sử dụng 50% công suất vận chuyển của tuyến đường ống dẫn khí đốt Opal, tương đương gần 12,8 tỷ m3.

[Đức cáo buộc Mỹ trừng phạt Nga để giành thị phần khí đốt tại châu Âu]

Ngoài ra, Ủy ban châu Âu (EC) cho phép Gazprom tham gia đấu thầu để tiếp cận thêm 40% công suất vận chuyển của Opal, tương đương gần 10,2 tỷ m3.

Đường ống dẫn khí đốt Opal có công suất vận chuyển 36 tỷ m3 khí đốt/năm.

Quyết định trên đã gây ra phản ứng gay gắt tại một loạt nước. Tháng 12 /2016, Chính phủ Ba Lan và công ty PGNiG nộp đơn khiếu kiện lên Tòa án châu Âu, nói rằng quyết định của EC đi ngược lại nguyên tắc đa dạng nguồn cung.

Sau đó, Tòa ra đã phán quyết tạm thời đình chỉ quyết định của EC. Tuy nhiên, tuần trước quyết định này đã bị hủy bỏ, theo đó cho phép đơn vị khai thác Opal đưa ra bán đấu giá sớm hơn công suất còn lại của tuyến đường ống mà chưa được sử dụng.

Theo ông Miller, Gazprom buộc phải đưa vào khai thác tất cả những tuyến vận chuyển có thể do nhu cầu cao của Liên minh châu Âu (EU) đối với khí đốt Nga.

Ông Miller nhấn mạnh việc Gazprom có được công suất bổ sung của đường ống Opal không làm giảm lưu lượng công suất vận chuyển tại Ba Lan. Ngược lại, đường ống dẫn khí đốt Yamal đi qua lãnh thổ Ba Lan trong tuần đầu tiên của tháng Tám đã hoạt động ở mức tối đa.

Hơn nữa, vào đầu tháng Tám, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký gói các biện pháp trừng phạt Nga mới, theo đó hạn chế đối với việc xây dựng các đường dẫn ống khí đốt mới.

Các biện pháp trừng phạt có thể được áp đặt đối với những doanh nghiệp đầu tư hơn 5 triệu USD/năm hoặc một lần 1 triệu USD.

Theo giới chuyên gia năng lượng, các biện pháp trừng phạt của Mỹ có thể ảnh hưởng tới giá khí đốt tại châu Âu, khi giá “năng lượng xanh” được bán cho các nước EU có thể đắt thêm 30%./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục