Các nước châu Âu khẩn trương đối phó với dịch COVID-19

Trước tình hình dịch COVID-19 đang ngày càng nghiêm trọng, chính phủ các quốc gia châu Âu đã áp đặt nhiều chính sách mới như ban bố tình trạng khẩn cấp hay hạn chế hoặc cấm nhập cảnh.
Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: WSJ)
Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: WSJ)

Chính phủ Pháp có kế hoạch huy động hơn 100.000 cảnh sát và hiến binh tại các chốt cố định và di động trên các trục đường quốc lộ và liên tỉnh nhằm kiểm tra việc thực hiện hạn chế di chuyển, trong bối cảnh số ca mắc bệnh COVID-19 ở nước này tiếp tục gia tăng.

Theo phóng viên TTXVN tại Paris, phát biểu tối 16/3, Bộ trưởng Nội vụ Pháp Christophe Castener cho rằng biện pháp hạn chế đi lại trong 15 ngày do Tổng thống Emmanuel Macron công bố là những biện pháp "nghiêm ngặt nhất hiện nay được áp dụng ở châu Âu." Tuy nhiên, ông nêu một số trường hợp ngoại lệ được chấp nhận như vận chuyển nhu yếu phẩm, đi làm đối với những người không không thể làm việc từ xa, mua thực phẩm và thuốc men, chăm sóc người thân đau ốm...

Bộ trưởng Nội vụ Pháp nêu rõ bất kỳ ai ra đường sẽ phải mang theo bản khai về mục đích di chuyển, theo mẫu của bộ trên, trong khi những người đi làm nhiệm vụ phải xuất trình thẻ hành nghề. Những trường hợp di chuyển không hợp lệ sẽ phải nộp khoản tiền phạt lên tới 135 euro (150 USD).

Tính đến tối 16/3, Pháp xác nhận 1.210 ca nhiễm SARS-CoV-2 mới được phát hiện trong vòng 24 giờ qua, nâng tổng số bệnh nhân mắc COVID-19 ở nước này lên 6.633 trường hợp, trong đó có 148 người tử vong.

Cùng ngày, Chính phủ Thụy Sĩ đã ban bố tình trạng khẩn cấp kéo dài đến ngày 19/4 nhằm đẩy mạnh các biện pháp phòng chống dịch COVID-19.

Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, việc ban bố tình trạng khẩn cấp cho phép chính phủ liên bang Thụy Sĩ ban hành những quy tắc có hiệu lực trên tất cả các bang, trong đó có lệnh cấm tổ chức tất cả các sự kiện kể từ nửa đêm 17/3. Các quán bar, nhà hàng, khu vui chơi, văn hóa, giải trí như bảo tàng, thư viện, rạp chiếu phim, nhà hát, trung tâm thể thao, bể bơi và khu trượt tuyết, kể cả tiệm cắt tóc hoặc các cơ sở làm đẹp, trang điểm cũng bị đóng cửa. Các cơ sở cung cấp hàng hóa thiết yếu như thực phẩm và thuốc men không bị ảnh hưởng.

[Infographics] Số ca mắc COVID-19 ở Italy, Iran, Hàn Quốc, Tây Ban Nha

Ngoài ra, Thụy Sĩ cũng sẽ thắt chặt các biện pháp kiểm soát tại biên giới với Đức, Áo và Pháp. Hội đồng Liên bang Thụy Sĩ đã phê chuẩn việc triển khai 8.000 quân nhân để hỗ trợ cho bệnh viện, hậu cần và an ninh.

Phát biểu với báo giới, Tổng thống Thụy Sĩ Simonetta Sommaruga nhấn mạnh sự cần thiết phải đưa ra "một phản ứng mạnh mẽ trên toàn đất nước," đồng thời kêu gọi người dân nghiêm túc tuân thủ các biện pháp phòng dịch.

Tính đến thời điểm hiện tại, Thụy Sĩ ghi nhận tổng cộng 2.200 trường hợp nhiễm COVID-19 và 18 trường hợp tử vong.

Còn tại Ukraine, chính phủ nước này đã quyết định tạm ngừng các hoạt động giao thông công cộng, đóng cửa các quán bar, nhà hàng và trung tâm mua sắm.

Các biện pháp hạn chế đi lại trong nước, trong đó có việc đóng cửa hoàn toàn 3 hệ thống tàu điện ngầm trên toàn Ukraine, có hiệu lực đến ngày 3/4 tới. Chính phủ Ukraine cũng cấm tổ chức các sự kiện có trên 10 người tham gia. Ngoài ra, kể từ ngày 17/3, tất cả các chuyến bay đến và đi từ Ukraine sẽ bị đình chỉ.

Trước đó, Ukraine đã áp dụng nhiều biện pháp nghiêm ngặt như đóng cửa biên giới với tất cả du khách nước ngoài và đóng cửa trường học nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan. Ukraine hiện ghi nhận 7 trường hợp mắc COVID-19 và 1 trường hợp tử vong.

Do lo ngại dịch bệnh lây lan, trụ sở Hạ viện Anh ở London tuyên bố đóng cửa, không đón du khách từ ngày 16/3 cho đến khi có thông báo tiếp theo. Quyết định này sẽ ảnh hưởng đến hàng nghìn lượt du khách muốn tận mắt chiêm ngưỡng và tham quan địa danh được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là di sản thế giới này.

Tuy nhiên, giới chức Hạ viện Anh cho biết các hoạt động bên trong cơ quan này vẫn diễn ra bình thường.

Trong khi đó, mặc dù ghi nhận khoảng 150 người nhiễm COVID-19 và 3 người đã tử vong, song Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki cho biết, đến thời điểm này, Ba Lan chưa có kế hoạch hoãn tổ chức cuộc bầu cử tổng thống.

Phát biểu họp báo, Thủ tướng Morawiecki nêu rõ nhóm quản lý khủng hoảng của Chính phủ Ba Lan đã phân tích rất kỹ mối đe dọa của dịch COVID-19 và cho rằng việc trì hoãn cuộc bầu cử tổng thống ở thời điểm này là "thực sự không cần thiết." Ông Morawiecki dẫn chứng rằng, dù đại dịch COVID-19 đang bùng phát nhưng các cuộc bầu cử địa phương vẫn diễn ra.

Hiện Ba Lan đã đóng cửa biên giới với tất cả du khách nước ngoài nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 lan rộng. Hầu hết các trường hợp lây truyền dịch bệnh COVID-19 tại Ba Lan đều xuất phát từ nước ngoài.

Cùng ngày, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte bác bỏ khả năng phong tỏa toàn bộ đất nước, biện pháp mà nhiều quốc gia châu Âu khác đang áp dụng. Theo Thủ tướng Rutte, Hà Lan muốn tạo ra "miễn dịch cộng đồng" trong khi chờ đợi vaccine.

"Miễn dịch cộng đồng" hình thành khi một tỷ lệ lớn người trong cộng đồng đã trở nên miễn dịch với bệnh, từ đó họ trở thành "lá chắn sống" bảo vệ những người bị nhiễm.

Tính đến ngày 16/3, Hà Lan đã xác nhận thêm 278 ca nhiễm SARS-CoV-2, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 1.413 trường hợp. Trong khi đó, số ca tử vong của nước này đã tăng từ 20 lên 24 người./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục